Ngay trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH), đã có 3 ý kiến khác nhau về mô hình chính quyền địa phương. Thứ nhất, giữ nguyên mô hình như hiện nay, cấp nào cũng có HĐND và UBND; thứ hai, không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính để quản lý nhà nước trên địa bàn; thứ ba, cần có sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn để phù hợp đặc điểm, yêu cầu quản lý từng địa bàn.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu (ĐB) tiếp tục có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Nhiều ĐB thống nhất giữ nguyên mô hình như hiện nay. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) bày tỏ lấy làm tiếc khi Nghị quyết 26 của QH về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường hơn 6 năm nhưng chỉ có Chính phủ tổng kết còn QH chưa hề dành thời gian để đánh giá thành công hay thất bại, có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm... ĐB Tâm đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, cụ thể trước khi thông qua.
Việc kiêm nhiệm chức danh trong HĐND cũng được nhiều ĐB đề cập. Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), thời gian qua, ĐB HĐND kiêm nhiệm quá nhiều việc dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên hoạt động còn mang tính hình thức, kết quả hạn chế. ĐB Nghĩa đề nghị luật quy định ít nhất 30% ĐB HĐND chuyên trách ở cấp tỉnh, 20% ở cấp huyện và 15% ở cấp xã; quy định hạn chế thấp nhất số lượng ĐB đồng thời là lãnh đạo hoặc cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.
ĐB Huỳnh Nghĩa cũng nêu một thực tế gây bức xúc hiện nay là mỗi cử tri ở nước ta có 4 cấp ĐB dân cử từ cơ sở đến QH đại diện cho mình nhưng quyền lợi của họ, đặc biệt các nguyện vọng chính đáng, bức xúc vẫn chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ; việc thực hiện quyền làm chủ còn nặng tính hình thức; tình trạng người dân có những việc oan trái vẫn còn xảy ra. Do đó, bên cạnh việc thông qua luật này, cần sớm thông qua Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND để tạo cơ chế giới thiệu người ra ứng cử thật sự dân chủ; chọn lựa người xứng đáng để gần dân một cách thực chất.
Nhiều ĐB đề nghị quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, chặt chẽ, bảo đảm HĐND hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng hình thức như hiện nay.
Hà Nội, TP HCM có đến 5 phó chủ tịch UBND
Nêu quan điểm về số lượng cấp phó trong UBND, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Phan Trung Lý, cho biết việc tăng thêm số lượng thành viên UBND sẽ dẫn đến nguy cơ tạo ra cơ cấu UBND cồng kềnh, không phù hợp với yêu cầu xây dựng bộ máy hành chính gọn nhẹ, linh hoạt. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH quy định UBND cấp tỉnh có 3 phó chủ tịch. Riêng TP Hà Nội, TP HCM có không quá 5 phó chủ tịch UBND. UBND cấp huyện có 2 phó chủ tịch, UBND cấp xã có 1 phó chủ tịch.
Bình luận (0)