Với việc nhất thể hóa 9 trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch MTTQ, 7 chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra, 5 trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ, bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND ở 63 xã, phường, địa phương này đã giảm được 1.605 công chức, viên chức và hợp đồng lao động; qua đó, tiết kiệm ngân sách đến gần 300 tỉ đồng/năm.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Quảng Ninh đang đi đúng hướng trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn nhưng hoạt động hiệu quả hơn. Bằng chứng là tỉnh này liên tục nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mấy năm qua.
Những tín hiệu đột phá của Quảng Ninh được dư luận cả nước đón nhận một cách rất tích cực bởi vấn đề hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa bộ máy công quyền đã được đặt ra từ nhiều năm qua và hiện trở nên bức bách.
Việt Nam là nước đang phát triển với dân số hơn 90 triệu người (trong đó tỉ lệ hộ nghèo khoảng 5%) nhưng có tới 2,8 triệu cán bộ, công chức, 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước - tức là từ tiền đóng góp của người dân. Quả là không quá lời khi dùng cụm từ “quá cồng kềnh” để lột tả bộ máy hành chính của nước ta hiện nay. Cũng không quá đáng khi tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, có đại biểu đã đưa ra hình ảnh so sánh “một anh nông dân phải cõng 4 ông công chức béo ú”. Một sự ví von cười ra nước mắt!
Thực tế cho thấy bộ máy hành chính của Việt Nam hiện nay không chỉ phình to mà còn quá nhiều thủ tục nhiêu khê, phiền hà; thậm chí nhiều nơi còn liên tục xảy ra tệ nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh, quan liêu, hối lộ… gây bức xúc cho người dân và làm giảm sút uy tín của Đảng, nhà nước. Điều này cũng dễ hiểu vì kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1945) đến nay, cơ cấu tổ chức của bộ máy Đảng, nhà nước, đoàn thể các cấp gần như không thay đổi. Tuy nhiên, với nền kinh tế thị trường hiện nay, Việt Nam đã và đang hội nhập với thế giới nên nếu không sắp xếp tinh gọn để làm cho bộ máy nhà nước tinh nhuệ thì sẽ là rào cản cho sự phát triển.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là cơ sở xây dựng một xã hội hiện đại, tiến bộ, thượng tôn pháp luật. Mục tiêu cuối cùng mà Đảng ta hướng tới là xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, kỷ cương, thủ tục đơn giản, thuận tiện; đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vậy nên, thực tiễn từ tỉnh Quảng Ninh là sự gợi mở với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. Sự đột phá này đáng để các địa phương khác học tập và nhân rộng vì mục tiêu đưa đất nước đi lên, cuộc sống của người dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc.
Bình luận (0)