“Tôi buồn nhất là sản phẩm cá tra Việt Nam “một mình một chợ” trên thị trường thế giới nhưng nông dân và doanh nghiệp (DN) cứ mãi lao đao, nợ nần, thua lỗ. Phải thay đổi cách làm để chúng ta không “chết trên ao cá” như thời gian qua” - ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), bày tỏ.
Chấn chỉnh ngay doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL đã giảm mạnh trong thời gian qua. Sau giai đoạn khó khăn, nhiều nông dân cũng không còn vốn liếng để mở ao nuôi lại. Do đó, trước hấp lực tăng giá cá tra xuất khẩu, họ sẽ đi vay vốn, tìm mọi cách để làm lại và nếu cứ làm tự phát như trước thì rủi ro khó tránh khỏi. “Nhà nước cần có chính sách cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu chủ lực này theo hướng quy hoạch sản xuất gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định thị trường xuất khẩu”.
Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (AFA) kiêm Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) - cho biết nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc nhiều đại gia trong ngành thủy sản lần lượt “cuốn gói” ra đi là do không biết cách xây dựng thương hiệu, năng lực yếu, thiếu trách nhiệm với nông dân. “Có tình trạng DN không đủ vốn đầu tư vùng nguyên liệu nên dụ nông dân thả nuôi ồ ạt, đến khi thu hoạch thì ép giá hoặc thu mua theo phương thức trả sau rồi chiếm dụng vốn, quỵt nợ” - ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bình, còn có nguyên nhân là các DN thường thu gom cá của quá nhiều người bán trong khi nhà máy chế biến thừa công suất. Từ đó nảy sinh tình trạng DN giẫm đạp lên nhau để tồn tại trong bối cảnh thị trường xuất khẩu không được tốt dẫn đến thua lỗ kéo dài. Đã từng xảy ra nhiều trường hợp DN phải bỏ đi trốn nợ vì vay tiền ngân hàng để đầu tư ngoài ngành nhưng không đem lại hiệu quả.
Đại diện VN Pangasius cho rằng chấn chỉnh DN là việc quan trọng cần làm ngay để vực dậy ngành nuôi cá tra. Chỉ có xây dựng DN mạnh mới đủ sức gắn kết sản xuất với tiêu thụ, tìm lối ra ổn định cho con cá tra.
Thay đổi tư duy, nhận thức
Theo ông Nguyên, sản phẩm cá tra phi lê được tiêu thụ khắp thế giới nhưng lại chưa có thương hiệu đích thực. Chúng ta vẫn kinh doanh theo kiểu “xách hàng qua tận nhà người ta để rao bán”. “Mình phải làm sao để cho người ta tìm đến đặt hàng mới được. Muốn làm được điều này thì các sản phẩm của mình phải có thương hiệu, đồng nhất về chất lượng. Sản xuất phải có đầu mối, đầu ra theo đơn đặt hàng chứ không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm hoài như vậy được” - ông Nguyên bày tỏ.
ThS Vương Học Vinh - nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang, nguyên Trưởng Bộ môn Thủy sản Trường ĐH An Giang - là người đầu tiên cho sinh sản thành công cá tra giống vào năm 1996. Ông Vinh thừa nhận sau hơn 20 năm phát triển với tốc độ cực nhanh, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đã góp phần quan trọng cho nền kinh tế nước nhà, giải quyết việc làm cho hơn 40.000 lao động. Sản phẩm xuất khẩu mang về cho quốc gia mỗi năm từ 1,7-1,8 tỉ USD. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi và xuất khẩu cá tra gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nút thắt cần tháo gỡ để ngành phát triển chính là củng cố chất lượng; từ chất lượng con giống đến miếng phi lê xuất khẩu, chất lượng của viên thức ăn, thuốc trị bệnh lẫn môi trường nước.
“Con giống suy thoái dẫn đến tỉ lệ hao hụt cao trong quá trình nuôi thương phẩm, nguyên liệu xuất khẩu chưa thực sự bảo đảm vì hàng dễ bị trả về nước do dính kháng sinh ngay từ khi cá tra còn “bú sữa”. Hàng bị trả về thì DN tìm mọi cách bán đổ bán tháo để thu hồi vốn. Một khi đã thua lỗ thì DN tung nhiều chiêu trò nhằm ép giá người nuôi cá nên cuối cùng, tất cả đều phá sản hoặc nợ đầm đìa. Đó là thực tế đang tồn tại trong nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL, buộc chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức” - ông Vinh phân tích.
Ông Lê Chí Bình cho rằng cần có “nhạc trưởng để chấn chỉnh DN, lập lại trật tự cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực này. Cái khó nhất hiện nay là vai trò “nhạc trưởng” của VN Pangasius vẫn còn mờ nhạt do chưa được trao quyền.
Báo động cá tra giống suy thoái
Theo ông Vương Học Vinh, sau khi ông nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp sinh sản cá tra nhân tạo, nhiều người trở nên giàu có nhanh chóng vì sở hữu đàn cá tra bố mẹ. Với 1 con cá tra mẹ sinh sản từ 3 triệu đến 4 triệu cá bột/vụ/năm, giá bán 50 đồng/con cá bột thì chủ cá cầm chắc lãi từ 45-60 triệu đồng. Nếu quy ra vàng vào thời điểm đó cũng được hơn chục lượng. Thế nhưng, những đàn cá bố mẹ này bị khai thác quá mức, thường xuyên bị chích thuốc kích thích để sinh sản. Điều này dẫn đến nguy cơ con cá giống bị suy thoái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nuôi.
Tại họp báo quý I/2017 về tình hình kinh tế - xã hội ĐBSCL tổ chức vào đầu tháng 4 ở TP Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ, Phó Chủ tịch VN Pangasius - cho rằng triển vọng xuất khẩu 2 tỉ USD của ngành cá tra đang bị thách thức bởi giống cá tra suy thoái khi các nghiên cứu cho thấy kích cỡ, trọng lượng con cá tra hiện nay nhỏ và nhẹ cân hơn so với 7-8 năm trước. “Vấn đề giống trở thành vấn đề sống còn trong 5-7 năm tới” - ông Dũng cảnh báo.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-4
Bình luận (0)