Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Sơn La khóa XIII vừa ban hành Nghị quyết thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP Sơn La. Dư luận đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng tượng đài này khi ngốn số vốn đầu tư rất lớn, khoảng 1.400 tỉ đồng.
Tượng đài “siêu khủng”
Đề án xây dựng trên quy mô diện tích khoảng 10-15 ha. Các hạng mục chính gồm: đền thờ Bác Hồ (tượng cao từ 5 m đến 8 m), đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bảo tàng tổng hợp, khu điều hành và đón tiếp, khuôn viên cây xanh và quảng trường có sức chứa 20.000 người. Đây có thể xem là tượng đài quy mô nhất tại Việt Nam từ trước đến nay với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.400 tỉ đồng, bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đã được xây dựng ở Gia Lai Ảnh: HOÀNG NGUYỄN
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 4-8, ông Trần Bảo Quyến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Sơn La, cho biết mục đích chính của đề án là nhằm đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu. “Với tình cảm biết ơn lãnh tụ sâu sắc, chúng tôi đề xuất tỉnh, Bộ VH-TT-DL và được trung ương nhất trí cho phép xây dựng tượng đài tại Sơn La” - ông Quyến nói.
Ông Quyến nhấn mạnh xây dựng tượng đài cũng là một nét văn hóa đặc biệt quan trọng, mang tính lịch sử, giáo dục, tính truyền thống và nhân văn sâu sắc, là di sản văn hóa vô giá cho các thế hệ. Dự kiến lễ động thổ khởi công xây dựng công trình vào ngày 11-10, nhân kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Sơn La.
“Nghèo mà làm được thì mới giá trị”
Về ý kiến băn khoăn Sơn La là tỉnh nghèo mà xây dựng tượng đài với tổng vốn đầu tư đến 1.400 tỉ đồng, ông Quyến cho rằng “nói vậy thì… rất vô vàn”. “Tình cảm của Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc cũng như tình cảm của đồng bào Tây Bắc đối với Bác Hồ thì không thể đong đếm được. Làm sao mà đong đếm được? Làm sao có thể nói giá trị của tình cảm là bao nhiêu tiền” - ông Quyến bày tỏ.
Tình cảm của người dân đối với Bác đúng là thiêng liêng, vô hạn, không thể đong đếm bằng tiền được. Vậy thì cũng đâu cần phải chi lắm tiền để xây dựng tượng đài bày tỏ tình cảm? Nhiều người cho rằng Sơn La là tỉnh nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, xây tượng đài trên ngàn tỉ đồng thì thật không hợp lý. Thế nhưng, ông Quyến vẫn quả quyết: “Theo quan điểm, suy nghĩ của cá nhân tôi, nếu nghèo mà làm được thì mới giá trị, chứ giàu rồi mới làm thì đó là chuyện nhỏ, bình thường”!
Nói về nguồn kinh phí 1.400 tỉ đồng để xây dựng, ông Quyến cho biết đề án này nằm trong quy hoạch. Vì vậy, sau khi được phê duyệt, chắc chắn việc xây dựng sẽ bao gồm cả kinh phí hỗ trợ từ trung ương và ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, việc xây dựng cũng sẽ sử dụng kinh phí xã hội hóa từ người dân, doanh nghiệp. Hiện Sơn La cũng đã có chủ trương vận động doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ một cách rộng rãi bằng tấm lòng của mình.
“Quan điểm của tỉnh là tăng cường tối đa nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn lực khác để giảm tối đa sử dụng tiền ngân sách. Hiện chưa thể biết từng nguồn vốn để đầu tư là bao nhiêu nhưng chắc chắn nguồn tiền từ xã hội hóa sẽ rất nhiều, chứ tỉnh không chỉ ỷ lại vào kinh phí của nhà nước” - ông Quyến cho biết.
Bác Hồ không muốn phô trương, hình thức
Chiều 4-8, ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VH-TT-DL - cho biết bộ đang giao Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm xây dựng quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030. Tuy nhiên, quy hoạch là một chuyện, còn quy mô xây dựng tượng đài lớn đến đâu lại là chuyện khác.
Nói về việc làm thế nào để hệ thống tượng đài ở Việt Nam vừa đẹp, ý nghĩa mà lại không quá tốn kém, ông Tân nhấn mạnh: “Không phải chúng ta cứ đưa quy mô lớn, tính đến kinh phí quá lớn như thế trong bối cảnh hiện nay. Tôi thấy có những bức tượng trên thế giới, những bức tranh rất nhỏ nhưng tính ảnh hưởng của nó rất lớn, như bức tượng “Mùa xuân vĩnh cửu”. Sự hoành tráng không phụ thuộc vào khối lượng mà vào tính chất, giá trị. Người ta vĩ đại ở những đóng góp cho nhân loại chứ không phải ở những tượng đài khổng lồ”.
“Tinh thần của Bác lúc sinh thời là Người cực kỳ tiết kiệm. Bác luôn có những chỉ đạo rất cụ thể về tiết kiệm, chống lãng phí, chống phô trương, hình thức. Điều này chúng ta cần học tập, làm theo Bác” - ông Tân bày tỏ.
Giá trị nằm ở nghệ thuật
Với quan điểm cá nhân, ông Phan Đình Tân cho rằng một tác phẩm có ý nghĩa là ở giá trị nghệ thuật chứ không phải ở giá trị khối lượng, có đầu tư lớn đến mấy mà giá trị nghệ thuật không có thì cũng không là cái gì. Ông Tân lấy ví dụ Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở đường Bắc Sơn (Hà Nội), tuy quy mô không lớn nhưng rất ý nghĩa.
Bình luận (0)