Sống bằng nghề đánh cá trên sông Sêrêpốk, gần 30 năm qua, gia đình ông Lê Văn Hiệu (ngụ xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã lặn sông cứu sống và vớt được hàng chục người dân nhảy cầu tự tử. Nhưng theo lời ông Hiệu, đến lúc chết ông vẫn không thể quên được vụ xe khách rơi xuống sông Sêrêpốk làm 34 người chết, 22 người bị thương đêm 17-5-2012.
Chập chờn giấc ngủ
Căn nhà cấp 4 lụp xụp của ông Hiệu nằm sâu dưới chân cầu Sêrêpốk, cách nơi xe khách gặp nạn chưa đầy 50 m. Có mặt ở hiện trường đầu tiên, trong bóng tối chập chùng, ông kinh hãi khi thấy một xe khách nằm bẹp dúm dưới chân cầu. Tiếng kêu cứu, than khóc lẫn rên rỉ vang vọng từ chiếc xe khiến ông hoảng loạn. Ông khản cổ kêu vợ và con ra ứng cứu. Trong đầu họ lúc ấy chỉ có một tâm nguyện là làm sao cứu sống được càng nhiều người càng tốt.
Hơn 10 phút sau, hàng trăm người dân địa phương đổ đến hiện trường. Đàn ông thì lao xuống đập kính xe đưa nạn nhân ra ngoài, đàn bà thì vội vã về nhà lấy những vật dụng của gia đình đưa ra hiện trường cứu hộ. Bất chấp đêm tối, vực sâu, mảnh chai, mảnh sành lởm chởm, mọi người lần mò đưa các nạn nhân lên vệ đường. Một người vác nạn nhân; 4-5 người khác nắm tay kéo lên dốc dựng đứng, trơn trượt.
Theo ông Hiệu, sông Sêrêpốk chưa bao giờ tang thương như đêm ấy, tiếng khóc não nề của người nhà nạn nhân nấc lên từng hồi đến nghẹn lòng. Trong xe, xác hành khách bị mắc kẹt chồng chất lên nhau. Hơn 2 năm rồi, mỗi khi nhìn ra bờ sông trước nhà, ông Hiệu lại thấy buồn. Ông luôn phải động viên vợ con và cũng để tự trấn an mình rằng “Số kiếp của họ đến đó, mình không làm điều gì xấu và cũng đã cố gắng hết sức để cứu họ nhưng không thể...”.
Bà Vũ Thị Quý (vợ ông Hiệu) tiếp lời: “Gần 50 tuổi, chuyện ma quỷ tôi chẳng bao giờ tin nhưng vẫn luôn bị ám ảnh. Số người chết quá lớn, nhiều thi thể không còn nguyên vẹn nên mỗi khi chồng con đi vắng, tôi phải bật điện suốt đêm, giấc ngủ cứ chập chờn”.
Còn trung tá Nguyễn Văn Dương - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn và Chỉ đạo PCCC Công an tỉnh Đắk Lắk; người trực tiếp chỉ đạo cứu nạn, cứu hộ vụ tai nạn này - nhớ mãi hình ảnh người đàn ông cuối cùng bị mắc kẹt trong xe.
Do rơi từ độ cao 20 m nên chiếc xe bẹp dúm. Sau gần 2 giờ cứu hộ, vẫn còn 1 hành khách cuối cùng mắc kẹt. Lực lượng cứu hộ phải dùng kìm, mở từng chút một mới đưa được nạn nhân ra ngoài. Lúc này, thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn.
“Lúc tham gia cứu nạn, nhiều chiến sĩ tuổi đời còn trẻ nên đã bị ảnh hưởng tâm lý. Tôi luôn động viên các chiến sĩ rằng đó là nhiệm vụ của mình, dù không mong muốn nhưng phải gạt bỏ tất cả để làm tốt công tác cứu hộ các sự cố về sau” - trung tá Dương nói.
Giá có thể cứu được tất cả...
Chiều 13-3-2012, chiếc thuyền chở nhóm kỹ sư nông nghiệp của Công ty Dekald Việt Nam đã bị lật trên sông Krông Nô (đoạn qua thôn Nam Ninh, xã Nâm N’dir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) - chi lưu chính của sông Sêrêpốk - khiến 6 kỹ sư thiệt mạng. Do lúc thuyền lật, nước từ nhà máy thủy điện đổ về lớn, sông chảy xiết nên công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Phải đến 3 ngày sau, cơ quan chức năng và người dân mới tìm thấy thi thể cuối cùng.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, UBND tỉnh Đắk Nông đã huy động hơn 50 chiến sĩ công an, quân đội với 4 thuyền máy chuyên dụng tìm kiếm các thi thể trên đoạn sông dài gần 10 km. Suốt 3 ngày, hàng trăm người dân đã thay phiên nhau lặn xuống sông tìm kiếm các thi thể. Trong đó, anh Trương Văn Ái (SN 1988, ngụ xã Ea R’bin, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã cứu sống 6 nạn nhân trong vụ chìm thuyền này.
Anh Ái nhớ lại: Ngày ấy, khi phát hiện thuyền chìm, anh tức tốc chèo thuyền ra giữa sông để cứu người. Khi cứu được người thứ 6 lên thuyền thì nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh, chỉ trong chốc lát đã cuốn số người còn lại trôi xa, cộng với việc trời tối nên không thể cứu được hết.
Trong 6 người tử nạn có 4 thi thể trôi xa khỏi hiện trường khoảng 1 km nên đến trưa hôm sau mới tìm thấy. Riêng thi thể anh Lê Thành Trung (SN 1989) và chị Trần Thị Kim Hằng (SN 1990) bị nước cuốn xa nên phải mất 3 ngày cơ quan chức năng và người dân mới vớt được.
“Hơn 2 năm trôi qua, mỗi lúc đi qua bến sông này, tôi cảm thấy rất day dứt. Giá mà tôi có thể cứu được tất cả mọi người để không phải thấy cảnh vợ mất chồng, cha mẹ mất con” - anh Ái nói.
Mang tiếng oan “hôi của”
Sau vụ tai nạn xe khách, ông Lê Văn Hiệu đã được Chủ tịch nước trao tặng bằng khen. Tuy nhiên, gia đình ông lại mang tiếng oan là “hôi của” của tài xế hàng trăm triệu đồng. Theo ông Hiệu, đến bây giờ, gia đình tài xế vẫn thường xuyên lên thăm và cảm ơn ông. Họ khẳng định vợ chồng tài xế không mang hàng trăm triệu đồng như đồn thổi. “Chúng tôi đã cứu sống hàng chục người tự tử. Có lúc suýt chết, có lúc cứu lên còn bị đánh, có lúc cứu lên phải đưa về nhà trắng đêm canh cửa vì sợ họ tiếp tục tự tử. Sau này, họ đến cảm ơn và cho tiền nhưng gia đình tôi chưa bao giờ nhận một đồng nào, nói gì “hôi của” của người chết” - ông Hiệu chạnh lòng.
Sau vụ tai nạn xe khách, ông Lê Văn Hiệu đã được Chủ tịch nước trao tặng bằng khen. Tuy nhiên, gia đình ông lại mang tiếng oan là “hôi của” của tài xế hàng trăm triệu đồng. Theo ông Hiệu, đến bây giờ, gia đình tài xế vẫn thường xuyên lên thăm và cảm ơn ông. Họ khẳng định vợ chồng tài xế không mang hàng trăm triệu đồng như đồn thổi. “Chúng tôi đã cứu sống hàng chục người tự tử. Có lúc suýt chết, có lúc cứu lên còn bị đánh, có lúc cứu lên phải đưa về nhà trắng đêm canh cửa vì sợ họ tiếp tục tự tử. Sau này, họ đến cảm ơn và cho tiền nhưng gia đình tôi chưa bao giờ nhận một đồng nào, nói gì “hôi của” của người chết” - ông Hiệu chạnh lòng.
Bình luận (0)