Không tính năm 1975, năm 2003 là năm mà ngọn cờ đỏ sao vàng - ngọn cờ chiến thắng của Tổ quốc - được giương cao hơn bao giờ hết. Từ già trẻ, gái trai, từ nông thôn đến thành thị đều hướng về SEA Games. Truyền thống của dân tộc là khi “đất nước có đại sự” thì mọi riêng tư tạm thời gác lại, kề vai sát cánh lo cho cái chung thắng lợi. Ngày thường mỗi người dân lo toan cho cuộc mưu sinh nhưng cũng nhanh chóng trở thành chủ nhân của đất nước...
Sự kiện này cho ta suy nghĩ: Trách nhiệm công dân, tinh thần dân tộc luôn thường trực trong mỗi người dân, làm sao huy động, phát huy, phát triển tạo nên sức mạnh để xây dựng đất nước? Phải chăng là năng lực tổ chức, năng lực điều hành của các nhà quản lý phải vì “lợi ích chung của đất nước” của dân tộc. Sự kiện SEA Games 22 người dân cảm thấy không có cái gì riêng tư trong đó mà tất cả vì danh dự của đất nước và dân tộc...
Chiến thắng vinh quang này là của cả dân tộc nhưng lực lượng xung kích lại là lớp trẻ “chủ nhân của đất nước”. Từ vận động viên đến tình nguyện viên, cổ động viên hầu như là lớp trẻ. Bởi vậy làm sao tổ chức, động viên, cổ vũ phát huy tài năng thế hệ trẻ không chỉ là thể thao mà vào kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục, xây dựng bảo vệ đất nước... Không để nguội lạnh bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ chỉ lo chuyện mưu sinh hoặc lãng phí tuổi thanh xuân vào những chuyện phù phiếm...
Với tinh thần tự hào dân tộc, các vận động viên của ta đã thi đấu hết mình, vươn lên vị trí dẫn đầu trong SEA Games. Cũng với tinh thần ấy, các vận động viên khuyết tật của chúng ta hãy giành lấy chiến thắng vinh quang trong ASEAN PARA Games sẽ khai mạc vào ngày 21-12 này.
Bình luận (0)