Câu hỏi trên xuất hiện trong chương trình “60 phút mở” của VTV, từ bà Tạ Bích Loan, khi truy vấn những người mang 360 phần quà, bánh chưng mà họ vận động quyên góp và chuẩn bị mấy tháng trời mới có được cho trẻ em vùng cao đang gặp khó khăn. Chính quyền địa phương thẳng thừng từ chối, không cho họ phát những phần quà này đến học sinh nghèo mà chẳng cần nói lý do. Đánh vật cả đêm, họ đành mang số quà trao cho trẻ em ở vùng khác.
Trước câu hỏi “để làm gì?” được người dẫn lặp đi lặp lại nhiều lần một cách trịch thượng như thế, người xem và cả những người làm từ thiện không khỏi ngỡ ngàng.
Trước đó, cũng không ít người làm từ thiện đã bị chính quyền địa phương một số nơi cấm đoán. Họ có thể đưa ra muôn vàn lý do để ngăn cản, như địa phương không có người nghèo, không báo trước cho chính quyền sở tại, không phù hợp với văn hóa... Nhưng tất cả chỉ là biện hộ cho một thực trạng xót xa hơn.
Ai cũng biết bản chất của việc này chính là che giấu một thực tế không mấy tốt đẹp của không ít cán bộ chính quyền. Họ luôn sợ người khác nghi ngờ năng lực điều hành của mình nếu biết được người dân còn nghèo, cuộc sống còn thiếu thốn. Bên cạnh đó, các báo cáo của địa phương luôn đẹp đẽ và giấu nhẹm những thực trạng đau lòng như trẻ em thất học, người già neo đơn, rất nhiều gia đình nghèo khó quanh năm dù cật lực làm việc. Bởi vậy, khi có ai đến giúp người nghèo, họ “chạnh lòng” lo lắng người khác sẽ đánh giá thấp vai trò quản lý, điều hành hoạt động của bộ máy công quyền.
Thùng trà miễn phí cho người dân nghèo đặt bên đường ở Hà Nội bị dẹp bỏ; những ổ bánh mì nhân ái bị nghi ngờ có “động cơ không tốt”; quần áo ấm phát cho trẻ em vùng cao trong mùa rét bị săm soi... là hệ quả của một lối suy nghĩ ích kỷ, không thừa nhận sự thật.
Ngay giữa nước Pháp phồn hoa, nước Nhật giàu có hay nước Nga hùng mạnh vẫn luôn có rất nhiều người làm từ thiện đấy thôi. Ở đó, chẳng ai săm soi lòng tốt của người khác khi muốn chia sẻ với những người khó khăn hơn. Những câu chuyện trả ơn cuộc đời vì mình may mắn có được cuộc sống đầy đủ, an bình luôn được khuyến khích, trân trọng. Có ai nghi ngờ gì Bill Gates khi ông muốn hiến gần như toàn bộ tài sản của mình để làm từ thiện? Hàng triệu người tị nạn đến châu Âu có ai lo ngại rằng họ sẽ bị mất văn hóa dân tộc?
Khi một người khó khăn chìa tay ra và được một bàn tay khác chia sẻ chính là điều đáng quý của cuộc sống. Mọi lý lẽ phân tích ra vẻ cao siêu, lập luận bác học nhưng rỗng tuếch chẳng qua chỉ là cố ý lảng tránh. Khi ai đó đặt ra câu hỏi “làm từ thiện để làm gì?” thì chính họ đã không còn thấy được tình thương của đồng loại. Khi nghi ngờ tình thương của người khác thì lòng trắc ẩn sẽ bị khuất lấp và còn đâu sự chia sẻ với tha nhân!
Bình luận (0)