Đây là một điểm đến phổ biến trong các chương trình tour Đà Lạt. Chỉ cần trong một thành phố, vài ba điểm tăng thế này thì các nhà thiết kế tour hoặc thay đổi điểm đến mới hoặc sẽ phải chấp nhận điều chỉnh giá và chịu lỗ, nghe khách phàn nàn một thời gian đầu.
Điều chỉnh giá vé vào cổng tăng đột ngột gấp 5 lần được người của Công ty CP Hoàng Cầu Đà Lạt - đơn vị khai thác công trình này - giải thích là bao gồm trọn gói các dịch vụ bên trong, như chụp hình xe ngựa, máy bay trực thăng, hóa trang… thay vì phải mua riêng lẻ như hiện nay (Báo Người Lao Động số ra ngày 13-12).
Nghĩa là khách vào Dinh 1 thì phải mua trọn gói trong khi có thể không muốn sử dụng hết các nhóm dịch vụ bên trong. Nếu vậy, có thể xem đây là một sự áp đặt dịch vụ, khách hàng phải mua cái mà họ chưa chắc dùng đến!
Vẫn biết việc Công ty CP Hoàng Cầu Đà Lạt bỏ ra 700 tỉ đồng vào năm 2014 để đầu tư trùng tu, nâng cấp công trình này là việc làm nhiều ý nghĩa nhưng hẳn bỏ vốn đầu tư cho khai thác du lịch cũng đã được tính toán kỹ, đặt tiềm năng kinh doanh của công trình trong bối cảnh du lịch của thành phố và rộng hơn là mức độ khai thác, giá cả dịch vụ của những công trình di sản tương đương ở các đô thị khác trong nước và khu vực. Việc tăng giá cho thấy bản thân điểm đến này tạo ra một sự lỗi nhịp trong bức tranh chung, chưa nói điều này sẽ là tiền lệ rất xấu cho du lịch Đà Lạt.
Nhìn ở góc độ văn hóa, việc khai thác di sản nếu tính quá sẽ… mất khôn. Sức hút của công trình sẽ suy giảm, nếu không muốn nói tạo ra ấn tượng thiếu thân thiện với du khách. Rõ ràng, sau quyết định tăng giá vào cổng Dinh 1, các công ty du lịch lữ hành đưa tour đến Đà Lạt buộc phải tính toán lại với điểm đến này, khi dịch vụ bên trong vẫn thế, không sáng tạo gì thêm nhưng khách phải chi trọn gói. Du khách đi lẻ sẽ thấy bực bội vì họ không được chủ động quyết định chọn lựa dịch vụ khi tham quan, khám phá, trải nghiệm ở Dinh 1…
Năng lực cạnh tranh yếu là vấn đề mà ngành du lịch đang gặp phải. Điều này xuất phát cụ thể từ sản phẩm thiếu sáng tạo, hấp dẫn, quảng bá chưa đủ mạnh và nhất là giá cả thiếu hợp lý. Những nỗ lực đồng bộ hóa trong từng khâu nhiều năm qua được các địa phương theo đuổi trong chật vật. Song, đôi khi sự chệch choạc vẫn diễn ra một cách tự phát, công khai khiến hình ảnh du lịch Việt Nam chưa thể hoàn thiện, chuyên nghiệp hóa.
Cơ quan quản lý du lịch Đà Lạt để một điểm đến di sản văn hóa tăng giá vào cổng lên gấp 5 lần với cách giải thích thiếu thuyết phục là rất bất thường.
Bình luận (0)