Vừa bước vào cổng chùa Quang Châu ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng, chúng tôi đã nghe vang lên tiếng trẻ cười đùa. Mất cha, mất mẹ, gia đình ly tán, bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng…, hơn 50 em đã được chùa Quang Châu dang rộng vòng tay đón về sinh sống và cưu mang như thành viên trong gia đình.
Bén duyên với trẻ
Trụ trì chùa Quang Châu, sư cô Minh Tịnh, năm nay đã ngoài 60 tuổi và hơn 40 năm gửi mình nơi cửa Phật. Ở Đà Nẵng, sư cô Minh Tịnh được biết đến như một người nặng ân tình với trẻ bất hạnh. “Không hiểu tôi có duyên phận với trẻ con hay sao mà từ lúc mới về chùa đã có trẻ đến xin nương náu” – sư cô thổ lộ.
Năm 1997, sư cô Minh Tịnh nhận 2 đứa trẻ đầu tiên do một gia đình gửi “nuôi tạm” nhưng đến nay họ vẫn không quay lại. “Chắc số tụi nhỏ này có duyên với mình, thôi thì mình nuôi chúng khôn lớn cho phải đạo” – sư cô bộc bạch. Sau đó, nhiều gia đình đã đưa con đến chùa gửi, cũng “nhờ nuôi giúp vài hôm, vài tháng” nhưng bỏ đi biền biệt đến nay. Chùa Quang Châu trở thành tổ ấm của những đứa trẻ bất hạnh, bị gia đình bỏ rơi bên vị sư cô nhân hậu.
Sư cô chua xót: “Trẻ con mà không được chăm sóc, phải ăn ngủ nơi đầu đường xó chợ thì tội nghiệp lắm. Mình còn sức, giúp được chừng nào hay chừng đó”. Chỉ với 2 sào ruộng và công việc nấu đồ chay, sư cô Minh Tịnh đã cố trang trải chuyện ăn uống và học hành cho hơn 50 “con”. Sư cô cho biết từ ngày nhận nuôi trẻ, bà phải nấu đồ chay bán ở chợ, khi thì nhận nấu cho các gia đình. Số tiền kiếm được mỗi ngày phải tính toán chi li mới đủ lo cho bọn trẻ miếng ăn, manh áo, sách vở đến trường.
Sư cô Minh Tịnh cho biết sẽ nuôi các em đến tuổi trưởng thành và sẵn sàng giao lại cho gia đình nếu có yêu cầu. “Dù có thương bọn trẻ đến cỡ nào đi nữa thì mình cũng không thể bù đắp được sự thiếu thốn tình thương ruột thịt cho chúng” - bà tâm sự. Điều mong mỏi lớn nhất của sư cô là được nhìn thấy các em chăm lo học hành, quên đi hoàn cảnh của bản thân để có thể sống tốt và thành đạt trong tương lai. Ba trong số hơn 50 trẻ mà sư cô nhận nuôi hiện đang học tại Trường Đại học Vạn Hạnh. Sư cô Minh Tịnh cho biết 3 em này đều mong muốn phục vụ cho chính nơi đã nuôi dưỡng mình khôn lớn nên quyết định chọn ngôi trường này.
“Anh em nhà Nguyễn Phước”
Mỗi đứa trẻ ở đây đều được sư cô Minh Tịnh đặt cho họ Nguyễn và chữ lót là Phước. Sư cô gửi gắm mong muốn bọn trẻ được hưởng phước phần nơi cửa Phật. Mỗi đứa trẻ có mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều do một tay sư cô Minh Tịnh bồng bế từ khi còn đỏ hỏn.
Từ lúc chùa Quang Châu nhận nuôi trẻ, cứ vài tháng người trong chùa lại phát hiện tiếng trẻ sơ sinh khóc. Khi thì người ta bỏ trẻ nằm ở cổng chùa, khi thì ở gốc cây bồ đề, lúc ngay trước cửa…
Phước Hiền chăm các em ăn trưa như chị ruột
Với mỗi đứa trẻ, sư cô Minh Tịnh đều nhớ rất rõ ngày phát hiện hoặc mang vào chùa. “Cũng vào những ngày tháng rét buốt như thế này, chúng tôi nhiều lần ôm những đứa trẻ sơ sinh vào chùa. Nếu không phát hiện kịp thời thì có lẽ chúng không chịu nổi với thời tiết giá lạnh” - bà thở dài. Đưa tay chỉ “anh em nhà Nguyễn Phước”, sư cô cho biết: “Phước Hiếu, Phước Xuân, Phước Huy…, mấy đứa này đều được nhặt ở cổng chùa khi mới sinh”.
Trên 5 chiếc giường con kê sát nhau, 3 đứa trẻ sơ sinh ngủ ngon lành trong chăn ấm. Có lẽ hiểu được sự bận rộn của các sư cô, những đứa trẻ này không hề quấy khóc. Khi chúng tôi đến gần, các em vô tư nhoẻn miệng cười tươi tắn.
Không phải trẻ mồ côi…
Tiếng kẻng ăn trưa vang lên, lũ trẻ đang chơi đùa vội vã chạy về nhà ăn như thường ngày.
Cô bé Nguyễn Thị Phước Hiền, năm nay lên 10 tuổi, tay bưng bát cơm vừa dỗ dành cậu bé mới lên 2 ăn cơm. Hiền bẽn lẽn: “Em phải đút cơm cho thằng Huy, nó biếng ăn lắm. Không có người đút là nó không ăn”. Cậu bé Huy vừa ăn vừa cười tủm tỉm nhìn chị Hiền với đôi mắt đầy yêu thương.
Sư cô Minh Tịnh đi qua, đi lại tất bật xới thêm cơm và gắp món ăn cho các em. Lúc này trông gian nhà ăn ấm cúng như một đại gia đình. Đứa lớn đút cơm cho đứa nhỏ ăn. Đứa nhỏ ăn xong mới đến lượt đứa lớn. Hơn 50 đứa trẻ lại có một bữa ăn ngon lành, đầm ấm.
Phước Thảo, cô bé đang học lớp 1, hồn nhiên kể cho chúng tôi nghe về ngày đầu tiên đi học. Lúc đó, khi bị các bạn trong lớp trêu đùa là trẻ mồ côi, là trẻ sống ở chùa, cô bé đã khóc nức nở và đem chuyện này kể cho người anh Phước Đạt cùng chung sống với mình nghe. Ngày hôm sau, trong giờ ra chơi, cậu bé Phước Đạt đã đến chỗ Phước Thảo để “tuyên bố” với đám bạn của cô bé: “Tao là anh của Phước Thảo đây. Thảo không phải là trẻ mồ côi…”. Từ đó, đám bạn của Thảo không còn trêu cô bé là trẻ mồ côi nữa. Cô bé trở lại với những ngày lên lớp hồn nhiên bên bạn bè.
Nặng lòng với người nghèo khó Không chỉ với trẻ em bất hạnh, sư cô Minh Tịnh còn nặng lòng với những phụ nữ khó khăn và người già neo đơn. Cách đây vài năm, sư cô cho một cô gái tên Lương Thị Hương, 26 tuổi, mang thai 2 tháng, vào chùa cư ngụ. Quê tận Đắk Lắk, là con gái của một gia đình nghèo nên Hương phải xuống Đà Nẵng bán bánh mì thuê. Ở đây, Hương quen và yêu một thanh niên rồi mang thai. Tuy nhiên, tay thanh niên này lại trở mặt. Quá đau khổ, Hương đã nghĩ đến cái chết nhưng vì thương con và nghe tiếng vị sư cô nhân hậu, cô tìm đến chùa Quang Châu mong muốn được nương tựa để chờ ngày sinh nở. Cũng vì thương đứa bé vô tội và cô gái lỡ dại, sư cô Minh Tịnh đã bằng lòng cho Hương ở lại. “Sư chỉ thêm bát, thêm đũa cho mỗi bữa ăn. Con cứ ở lại dưỡng thai rồi sinh con. Nuôi con không được thì để sư nuôi, khi nào muốn nhận lại thì cứ đến, sư sẽ trao con cho” – bà ôn tồn. Sau những lần đi làm từ thiện, sư cô Minh Tịnh còn mang về chùa nhiều cụ già neo đơn. Cụ Võ Thị Mứt, 84 tuổi, đã sống với hơn 5 cụ khác ở chùa vài năm nay. Quê cụ Mứt ở huyện Đại Lộc - Quảng Nam. Cụ có 2 con nhưng rất nghèo, nuôi gia đình không nổi nên để mẹ sống neo đơn. Nhờ có sư cô, cụ Mứt được đưa về chùa sống. |
Bình luận (0)