Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện nay một số công ty du lịch ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... đang nhận tổ chức những tour ăn nhậu tại các hang động của vịnh Hạ Long với quy mô từ 20-60 khách.
Từ 3-5 triệu đồng/người
Địa điểm tổ chức là một số hang động như hang Trống, hang Thầy (vịnh Hạ Long), hang Thiên Cảnh Sơn (vịnh Bái Tử Long). Thông thường, bữa tiệc sẽ diễn ra vào khoảng 19 giờ và kết thúc trước 23 giờ. Nếu du khách muốn nán lại thì trả thêm phí cho ban quản lý. Giá ngày thường từ 2,5-3 triệu đồng/người nếu đi theo tốp từ 10 người trở lên, cuối tuần là 5 triệu đồng/người. Giá thuê tàu riêng là 39 triệu đồng cho 2 ngày 1 đêm.
Tuy nhiên, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết trong quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020, tại tất cả điểm hang động nói chung và hang Trống, hang Hồ Động Tiên nói riêng đều không có loại hình dịch vụ ăn uống, tổ chức sự kiện, tiệc mừng trong hang.
Cùng với đó, ngày 31-8, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bác bỏ chức năng ẩm thực, ăn uống trong ý tưởng xây dựng dự án khoanh vùng bảo vệ nguyên vị Cọ Hạ Long và trung tâm đón tiếp, dịch vụ du lịch giới thiệu sản phẩm thương hiệu Hạ Long tại khu vực hòn Chân Voi do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Thiên Cung đề xuất. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị doanh nghiệp chỉ được bố trí quầy bar cùng các dịch vụ khác như bán hàng OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm nông nghiệp), hàng lưu niệm, khu vực làm nghề thủ công truyền thống.
Trước hoạt động tổ chức ăn nhậu tại một số hang động ở vịnh Hạ Long, sáng 5-9, Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà đã có chuyến kiểm tra trên vịnh Hạ Long. Ông Hà cho biết qua kiểm tra tại khu vực hang Trống cho thấy việc quản lý đối với các hoạt động là tốt, không để các hoạt động ăn uống, nấu nướng ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan hang động. Tới đây, TP Hạ Long sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ di sản, đánh giá lại và báo cáo UBND tỉnh giải pháp cụ thể nhằm quản lý tốt hơn vịnh Hạ Long.
Tăng cường kiểm tra
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh phát triển du lịch bao giờ cũng phải gắn với quản lý, không có quốc gia nào phát triển du lịch mà không làm việc này. “Một mặt phải mở cửa, tìm mọi cách chào đón khách nhưng mặt khác phải kiểm soát được những vấn đề liên quan như môi trường, an ninh trật tự...” - ông Tuấn nói.
Người đứng đầu ngành du lịch cũng nhấn mạnh du lịch chỉ có thể phát triển bền vững và hiệu quả khi giữ được môi trường, cảnh quan sinh thái. Trước thực trạng nhiều điểm du lịch nổi tiếng đang bị biến thành nơi kinh doanh ăn uống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan, môi trường du lịch, ông Tuấn cho hay Tổng cục Du lịch đã đôn đốc, tuyên truyền hướng dẫn, tham mưu để các địa phương thực hiện tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
“Các danh lam thắng cảnh là địa điểm thu hút du khách nhưng để tình trạng ăn uống như vậy sẽ khiến du khách bỏ đi. Ngành du lịch đang có những chuyển biến mạnh mẽ, trở thành nhận thức chung của xã hội rằng chúng ta có lợi thế để phát triển du lịch hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Còn theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã yêu cầu TP Hạ Long rà soát lại các văn bản pháp luật và tăng cường kiểm tra hoạt động dịch vụ ăn uống của các đơn vị kinh doanh. Từ đó, có đánh giá, đề xuất các giải pháp cụ thể, báo cáo bằng văn bản gửi UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn hiệu quả Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Chấn chỉnh sai phạm ở phố đi bộ hồ Gươm
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong 3 ngày (từ 2 đến 4-9) vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 và khai trương thí điểm không gian đi bộ hồ Gươm cùng vùng phụ cận, du khách đến Hà Nội đạt 207.236 lượt, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó du khách quốc tế đạt 22.236 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du khách đạt 526 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết bước đầu phố đi bộ đã được người dân trong và ngoài nước đón nhận rất tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xả rác, hàng rong, vệ sinh môi trường chưa được bảo đảm, một số người vẫn sử dụng phương tiện giao thông vào phố đi bộ. Sở Du lịch tiếp tục đề nghị chính quyền quận Hoàn Kiếm tăng cường xử lý hàng rong, đi xe vào phố đi bộ, thêm các thùng rác di động, nhà vệ sinh công cộng, khắc phục sự cố WiFi hoạt động chưa ổn định.
Bình luận (0)