Dư luận khen chê đủ cả và tất nhiên câu hỏi vì sao chống tham nhũng lại bị bắt được đặt ra. Câu chuyện có thể tóm tắt: Ông Trần Minh Lợi chỉ cách cho một số người đưa hối lộ công an đang thực hiện điều tra vụ án đánh bạc. Ông ghi âm, ghi hình làm bằng chứng để tố cáo những kẻ nhận hối lộ. Kế hoạch tổ chức đưa hối lộ của ông Lợi thành công, 3 cán bộ Công an huyện Đắk Mil bị kỷ luật vì nhận hối lộ, ông Lợi bị bắt vì là đồng phạm đưa hối lộ.
Luật pháp thì phải nghiêm minh, kể cả trường hợp này, cho dù ông Lợi làm vì muốn lấy chứng cứ nhận hối lộ của công an nên mới lên kế hoạch “gài bẫy”.
Nhưng hãy nhìn ở góc ngược lại, sẽ thấy quy định này cũng là một sự cản trở trong việc chống tham nhũng. Muốn chống tham nhũng, đưa kẻ nhận hối lộ ra trừng trị trước pháp luật thì phải có chứng cứ, không thể tố cáo qua tờ giấy. Muốn có chứng cứ thì phải tạo ra tình huống để ghi hình, ghi âm. Ông Lợi biết chắc chắn những cán bộ công an này ăn tiền của người vi phạm nhưng không phải lúc nào cũng lấy được bằng chứng. Khi có cơ hội, ông mới giăng chiếc bẫy.
Nếu như các cán bộ Công an huyện Đắk Mil liêm chính thì ông Lợi có giăng 10 chiếc bẫy cũng vô ích. Còn trong trường hợp này, đưa được tham nhũng, hối lộ ra ánh sáng lại trở thành người có hành vi vi phạm pháp luật. Đã từng có phóng viên đi tù vì rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Vậy thì, bài toán đặt ra với người dân muốn chống tham nhũng quả thật khó khăn. Bởi lẽ, khi kẻ tham nhũng chủ động nhận hối lộ thì rất khó phát hiện, lấy chứng cứ. Còn muốn để họ thụ động rơi vào bẫy thì phải tạo ra bẫy. Nhưng tạo ra bẫy thì phạm luật. Trường hợp ông Lợi sẽ làm cho nhiều người khác lo lắng, không dám đối đầu với tội phạm tham nhũng. Nói rộng ra, rất khó để đưa được tội phạm tham nhũng ra ánh sáng vì không thể lấy được chứng cứ.
Trên thực tế, người dân ủng hộ những người can đảm và mưu trí tìm cách vạch mặt tội phạm tham nhũng, diệt trừ những con sâu trong bộ máy công quyền. Người dân mong muốn có thêm nhiều người tham gia chống tham nhũng nhưng quy định của luật pháp áp dụng trong trường hợp như ông Lợi không thể đồng hành cùng mong muốn đó.
Pháp luật văn minh đề cao tính minh bạch, khách quan, khoa học, cho nên việc phát hiện tội phạm cũng được đặt trong các tiêu chí như vậy, đó là không thể sử dụng một phương tiện mờ ám để đạt mục đích, cho dù đó là mục đích tốt. Pháp luật sinh ra để ngăn chặn người vi phạm pháp luật trước khi trừng trị người có hành vi phạm pháp.
Tuy nhiên, khi tội phạm tham nhũng tràn lan, đe dọa sự tồn vong của chế độ thì quy định của pháp luật cũng phải theo hướng tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức phát hiện và tố cáo tham nhũng. Không gài bẫy cho người lương thiện vào tù, chỉ tạo tình huống để vạch mặt những kẻ tham nhũng thực sự thì rất đáng được xem xét...
Bình luận (0)