Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau hơn 9 tháng bị tạm giam, ông Phạm Thanh Chệch (SN 1978, ngụ xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) được TAND huyện Thới Bình tuyên trả tự do ngay tại tòa.
Theo hồ sơ vụ án, vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 6-12-2014, Công an huyện Thới Bình bắt quả tang Trần Hoàng Hảo, Nguyễn Chí Công (cùng ngụ xã Tân Bằng) và Lê Thanh Tý, Nguyễn Nhân Hiếu, Từ Văn Cẩn (cùng ngụ xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy bên cạnh chòi canh tôm của ông Chệnh ở ấp Tấn Công, xã Tân Bằng.
Làm việc với công an, các đối tượng này khai nhận đã mua ma túy của ông Chệch để sử dụng. Ngoài ra, một số nhân chứng khai với cơ quan điều tra là trực tiếp nhìn thấy Hảo đưa tiền cho Chệnh…
18 giờ cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thới Bình ra lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với ông Chệch. Qua khám xét trên người và trong chòi giữ vuông tôm của ông Chệch, công an thu giữ số tiền hơn 22 triệu đồng; 2 viên đạn; 2 ống kim tiêm đã qua sử dụng giắt trên vách; 3 điện thoại di động và một cây gậy sắt 3 khúc… nhưng không có ma túy.
Ngày 11-12-2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thới Bình quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Thanh Chệch về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Ngày 17-4-2015, VKSND huyện Thới Bình ra quyết định truy tố bị can Chệnh về tội danh trên theo khoản 2 điều 194 BLHS, có khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù. Đến ngày 16-6-2015, VKSND huyện Thới Bình thay đổi cáo trạng, truy tố Chệnh theo khoản 1 điều 194 BLHS, có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Ngày 11-9, TAND huyện Thới Bình xét xử sơ thẩm đã tuyên bố trả tự do ngay cho bị cáo Phạm Thanh Chệch tại phiên tòa.
Lý do, theo HĐXX xâu chuỗi các tài liệu, chứng cứ có liên quan, đối chiếu lời khai của người làm chứng, người có liên quan đã khai tại phiên tòa với lời khai của họ tại cơ quan điều tra là có sự mâu thuẫn, không nhất quán với nhau dù đã được cơ quan điều tra, VKS đối chất, phúc cung. Tòa án cũng đã trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những mâu thuẫn, những điểm chưa phù hợp đó nhưng cơ quan điều tra lẫn VKS vẫn không bổ sung được toàn diện những vấn đề cơ bản cần phải chứng minh. Ngoài ra, các chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được không có sự liên quan gì để chứng minh Chệch có bán ma túy cho Hảo. Chệch chỉ thừa nhận Hảo có đến trả tiền cho Chệch 480 ngàn đồng, các vấn đề khác Chệch đã phủ nhận.
Cũng theo HĐXX, từ các lời khai rời rạc, chứng cứ không liên quan, chỉ mang tính chất suy đoán thì chưa có cơ sở vững chắc để quy kết tội đối với bị cáo Chệch. Ngoài ra, lời khai của các con nghiện có liên quan không thể hiện được sự chín chắn, tính đúng đắn về năng lực hành vi, khả năng nhận thức… “Nếu sau này có sự việc thay đổi lời khai của người làm chứng và lời khai đó cơ bản làm thay đổi toàn bộ nội dung vụ án, có lợi cho bị cáo thì việc điều tra, truy tố và xét xử đối với Chệch là oan sai nên nguyên tắc suy đoán vô tội trong trường hợp này phải được đặt lên trên hết. Pháp luật hình sự cho phép suy đoán bị cáo vô tội chứ không thể suy đoán bị cáo có tội” HĐXX nhận định.
Cơ sở để VKSND huyện Thới Bình kháng nghị vì cho rằng có nhiều lời khai và chứng cứ quan trọng chứng minh Chệch có mua bán trái phép chất ma túy. Theo nội dung kháng nghị, trước khi bị phát hiện bắt giữ, cơ quan điều tra có ghi được video clip cảnh trao đổi tiền và mà túy giữa Chệch và Hảo. Tuy nhiên, điều khó hiểu là trong suốt quá trình khởi tố, truy tố, xét xử, cơ quan điều tra cũng như VKSND huyện Thới Bình đều không đưa chứng cứ quan trọng này vào hồ sơ vụ án.
Bình luận (0)