Địa đạo cao chừng 1 m, có nơi rộng đến 1 sải tay
Trước đó, chiều 16-4, trong lúc đào gốc tre ở khu vực tổ 18 thôn Bình Túy, người dân địa phương đã phát lộ địa đạo này và tiến hành “khai quật”. Lo sợ có bom mìn còn sót lại, UBND xã Bình Giang đã yêu cầu tạm dừng đào bới và báo cáo với UBND huyện Thăng Bình, Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Quảng Nam có hướng giải quyết.
Tuy nhiên, 3 ngày nay, người dân địa phương đã cùng nhau “khai quật” theo các dấu vết địa đạo cùng với sự chỉ dẫn của những cụ già từng tham gia đào hoặc ẩn nấp ở địa đạo này. Rất đông người tập trung theo dõi quá trình “khai quật”.
Sau khi phát lộ, người dân địa phương tổ chức “khai quật”
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài miệng địa đạo được phát hiện trước đó, người dân đã phát lộ và đào thêm một cửa hầm khác cách đó vài trăm mét. Người dân cho biết bên trong địa đạo cao khoảng 1 m, có nhiều chỗ rộng chừng 1 sải tay người lớn.
Địa đạo này được đào chạy dọc các hàng tre để tận dụng gốc tre làm lỗ thông hơi nhằm che mắt địch. Cũng theo người dân, họ đã gửi đơn đề nghị chính quyền địa phương khai quật, bảo tồn địa đạo để tưởng niệm đồng thời giáo dục tinh thần yêu nước đối với các thế hệ con cháu nhưng lâu nay chưa được đáp ứng.
Một người lớn tuổi cũng tham gia đào địa đạo
Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Giang, cho biết hệ thống địa đạo dài khoảng 6 km, tỏa đi 3 hướng trong địa phận thôn Bình Túy. Trong đó, có một miệng hầm hướng ra sông Trường Giang. Địa đạo này được dân làng đào từ thời kháng chiến chống Pháp và tiếp tục mở rộng vào kháng chiến chống Mỹ. Khi đào địa đạo, dân làng đưa từng rổ đất từ trong hầm đổ xuống sông để tránh bị địch phát hiện.
Vào ngày 22-2-1965, 4 tiểu đoàn của địch phát hiện miệng địa đạo gần khu vườn nhà bà Trương Thị Xáng nên đã dồn bắt người dân địa phương đến khai quật. Lúc này, bà Xáng mưu trí kéo dài cuộc tìm kiếm, đồng thời dò la được âm mưu ngày hôm sau địch sẽ tăng viện để công phá nên trong đêm đó, bà đã kịp báo tin và hướng dẫn 300 cán bộ, du kích từ địa đạo thoát khỏi vòng vây. Khi hoàn tất nhiệm vụ, bà Xáng quay trở lại thì bị địch bắn, hy sinh vào ngày 23-2-1965.
Rất đông người dân theo dõi quá trình “khai quật” địa đạo
Đài tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Trương Thị Xáng tại địa phương
Địa đạo sau đó bị địch dùng bom mìn vùi lấp từ đó đến nay. Vào năm 2012, bà Xáng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Ông Anh cho biết thêm địa phương nhiều lần đề xuất phát lộ để bảo tồn, tôn tạo nhưng do thiếu kinh phí nên chưa có điều kiện thực hiện. Người dân và chính quyền đang rất mong muốn được phục hồi hệ thống địa đạo, làm di tích lịch sử gắn với khu tưởng niệm nữ anh hùng của dân làng mình.
Bình luận (0)