22 giờ tối 27-7, bão số 1 (Mirinae) đã đổ bộ vào đất liền tại hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình với sức gió giật cấp 9-11, đã làm nhiều cây cối hoa màu gãy đổ, nhà cửa của nhiều hộ dân nơi cơn bão đi qua bị tốc mái, hư hỏng.
Tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, bão số 1 đã quật ngã nhiều cây cối, giật tung biển quảng cáo, rất nhiều nhà dân bị bung mái tôn, tốc ngói trên nóc nhà.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, vào lúc 15 giờ ngày 27-7, Đồn Biên phòng Quất Lâm, huyện Giao Thủy đã cứu nạn thành công 3 ngư dân trên tàu cá do anh Lê Văn Tuấn làm thuyền trưởng khi tàu bị sóng to, gió lớn đánh chìm ở cửa biển xã Hải Phúc. Để đảm bảo an toàn về người, tỉnh Nam Định đã kêu gọi toàn bộ hơn 2.000 tàu thuyền với trên 5.200 lao động hoạt động trên biển và các chòi canh ngao vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người ở tỉnh này.
Trao đổi với báo Người Lao Động, ông Vũ Nam Tiến, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình, cho biết vào 12 giờ đêm qua 27-7, bão số 1 đổ bộ vào Ninh Bình, gây gió giật cấp 8 đến cấp 9, kèm theo mưa lớn trên diện rộng. Mưa lớn kèm theo gió giật mạnh đã làm nhiều cây cối, cột điện trên địa bàn bị gãy đổ. “Hiện chưa có thiệt hại về người, tuy nhiên do gió lớn quật đổ nhiều cột điện nên toàn tỉnh Ninh Bình đang bị mất điện, hiện tỉnh và ngành điện đang nỗ lực khắc phục để sớm đóng điện trở lại. Mưa lớn cũng làm cho hơn 30.000 ha lúa trên địa bàn bị ngập úng, chòi canh ngao ngoài biển ở huyện Kim Sơn bị thổi bay” - ông Tiến thông tin.
Cũng theo ông Tiến, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang có mưa rất lớn lên tới 250 mm, nên có thể sẽ còn gây ập úng cho một số nơi. Trước tình hình trên, Sở đang chỉ đạo các địa phương chuẩn bị các phương án tiêu úng để cứu lúa, hoa màu.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết lúc 3 giờ 42 phút ngày 28-7, đã xảy ra sự cố đường dây 500 kV Thường Tín - Nho Quan khi bão đổ bộ. Sau đó, đã đóng điện lại lúc 4 giờ 17 phút cùng ngày.
Lúc 0 giờ 40 phút ngày 28-7, xảy ra sự cố đường dây 220 kV 274 Ninh Bình - Bỉm Sơn và đến 1 giờ 15 phút cùng ngày đóng lại.
Với lưới điện 110 KV, có 21 lộ 110kV bị sự cố, hiện đã khôi phục 11 lộ, còn 10 đường dây 110kV đang bị sự cố.
Về lưới điện phân phối, khu vực Hà Nội có 99 lộ đường dây trung áp bị sự cố. Hiện tại, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội đang triển khai toàn bộ nhân lực để kiểm tra và khắc phục các sự cố. Khu vực Thái Bình, Nam Định, Hà Nam mất điện hoàn toàn. Khu vực Ninh Bình mất điện khu vực ngoại thành, chỉ còn lại khu vực trung tâm TP Ninh Bình. Khu vực Hải Phòng xảy ra sự cố 62 lộ đường dây trung áp, đã đóng lại 22 lộ. Khu vực Bắc Ninh, sự cố 11 lộ đường dây trung áp, đã đóng lại 6 lộ.
Một số hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận tại 2 tỉnh Ninh Bình, Nam Định:
Sau khi cơn bão đi qua ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định)
Mái tôn bị tốc
Cây đổ ở TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Tỉnh Ninh Bình bị mất điện diện rộng do nhiều cột điện đổ trong bão số 1
Bình luận (0)