Song nhiều người vẫn không khỏi rùng mình về mức độ tàn ác của chủ nhà Trần Thị Tuyết Minh với người giúp việc lớn tuổi Phạm Thị Phương.
Nhìn vào khuôn mặt trắng trẻo cùng gia cảnh của bà Minh, nhiều người thật không thể tưởng tượng nổi là người phụ nữ đã có chồng con và cháu ngoại này lại có những hành vi tàn độc như vậy đối với người giúp việc trong ngôi nhà của mình. Dù bà Minh có biện minh thế nào thì cũng không thể làm giảm đi sự căm phẫn của dư luận với hành vi mà rất nhiều độc giả đã bày tỏ trên Báo Người Lao Động là “không phải của một con người”.
Vì sao ở thời đại văn minh ngày nay lại có người, hơn thế còn là phụ nữ, như bà Minh? Vì sao vụ bạo hành này lại diễn ra sau khi những kẻ bạo hành người giúp việc trước đó đã phải nhận những bản án thích đáng của pháp luật cùng sự lên án dữ dội của dư luận như cặp vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm bị kết án 23 năm tù mỗi người?...
Không phải dễ tìm ra câu trả lời thuyết phục bởi mỗi vụ bạo hành diễn ra trong một hoàn cảnh với những tính chất và mức độ khác nhau. Càng không dễ hơn nếu tìm câu trả lời từ trường hợp bạo hành của bà Minh, một phụ nữ có tính cách và sống bình thường theo cảm nhận bề ngoài của những người hàng xóm.
Đạo đức, giá trị tinh thần đi xuống bởi sự lên ngôi của những giá trị vật chất mà một hiện thân tiêu biểu nhất của nó là đồng tiền. Mặt trái, ma lực của đồng tiền biến gia chủ như vợ chồng Giang-Thơm hay bà Minh thành thành những kẻ chủ nô thời hiện đại trong khi bé Hào Anh, bà Phương phải cam chịu sự bạo hành mà không hề có ý thức phản kháng. Đó mới chính là điều đáng sợ nhất - sự tha hóa của đồng tiền. Đồng tiền có thể biến người ta thành ác quỷ hay cam chịu làm nô nhân ngay trong thời buổi văn minh và tràn ngập thông tin này. Ma lực đồng tiền góp phần đẻ ra tội ác mang tên bạo hành.
Bình luận (0)