Sáng 18-7, TAND Cấp cao tại TP HCM đã xét xử phúc thẩm vụ thảm sát ở Bình Phước khiến 6 người trong một gia đình tử vong. Hai bị cáo Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại ra đứng trước vành móng ngựa trước sự phẫn uất của gia đình bị hại và đông đảo người dự khán.
Chối tội
Tại phiên tòa, Vũ Văn Tiến cho rằng bị cáo không chủ ý giết người. Bằng chứng là nhiều lần bị cáo kêu Nguyễn Hải Dương dừng lại, đừng tiếp tục ra tay. Tiến thừa nhận chỉ giúp Dương đòi lại tiền ông Mỹ thiếu nợ. Tuy nhiên, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa khẳng định hành vi siết cổ nạn nhân để Dương dùng dao giết từng người một là giúp sức tích cực cho Dương.
Lý giải hành động ra tay siết cổ các nạn nhân, Tiến trình bày: “Do Dương trừng mắt và đe dọa nên bị cáo sợ, làm theo. Do bị cáo hoảng loạn, bị đe dọa nên phải phục tùng ý chí của Dương”. Bị cáo Tiến vừa dứt lời, chủ tọa đã công bố lời khai của Dương chứng minh Tiến không hề sợ sệt, hoảng loạn như bị cáo nói. Đó là khi Nguyễn Hải Dương chích điện vào các nạn nhân, Vũ Văn Tiến gằn giọng: “Mày chích cái kiểu gì vậy? Chích vậy sao chết! Chích lại đi!”
Trong khi đó, Trần Đình Thoại thừa nhận tòa sơ thẩm xử tội cướp tài sản đối với bị cáo là đúng người đúng tội và yêu cầu tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Đồng thời, Thoại cho rằng tòa sơ thẩm xử tội giết người đối với bị cáo là không chính xác bởi bị cáo không trực tiếp tham gia giết các nạn nhân. Tuy nhiên, HĐXX đã công bố lời khai của các đồng phạm của Trần Đình Thoại thể hiện rất rõ Thoại có trực tiếp tham gia bàn bạc kế hoạch, trực tiếp đến nhà ông Lê Văn Mỹ để hành động, còn việc không thực hiện được là ngoài ý chí của các bị cáo. Bên cạnh đó, bị cáo còn mua dao đưa cho Nguyễn Hải Dương thực hiện hành vi man rợ. Cho nên, Trần Đình Thoại phải chịu trách nhiệm về hậu quả mà Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến đã gây ra.
Cực kỳ tàn ác!
Bào chữa cho bị cáo Tiến, luật sư cho rằng mức án tử hình mà tòa sơ thẩm đã tuyên đối với Tiến là không phù hợp, thiếu tình, lý và không thể hiện tính nhân văn.
Theo luật sư, Tiến tham gia vụ án không nhằm mục đích giết người, việc thực hiện hành vi phạm tội là do bị Dương khống chế, ép buộc. “Tình cảnh lúc ấy nếu bị cáo không làm theo lời Dương thì có thể cũng đã trở thành nạn nhân của Dương. Hạn chế nhận thức cộng với việc bị khống chế tinh thần đã dẫn đến Tiến tham gia vụ án” - luật sư biện hộ.
Bào chữa cho bị cáo Thoại, luật sư của bị cáo này cho rằng bản án sơ thẩm còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn khách quan của vụ án. Cụ thể, bị cáo Thoại không bàn bạc, chuẩn bị hung khí phạm tội như án sơ thẩm. Ngày xảy ra vụ án, bị cáo Thoại không trực tiếp tham gia nhưng án sơ thẩm kết luận bị cáo cùng ý chí giết người là không đúng. Theo luật sư, bị cáo Thoại chỉ giúp sức cho Dương đi cướp chứ không hề biết ý định giết người.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là cực kỳ nguy hiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn. Hành vi mang tính chất côn đồ, man rợ và cùng một lúc phạm hai tội đặc biệt nghiêm trọng. Đối với Tiến, bị cáo rất tích cực hỗ trợ Dương thực hiện hành vi tới cùng. Không có Tiến thì Dương không thể thực hiện được việc giết từng người. Hành vi của bị cáo Tiến là cực kỳ tàn ác và nguy hiểm. Tại phiên phúc thẩm không phát sinh tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tiến.
Đối với Thoại, tòa sơ thẩm tuyên bị cáo tội giết người mang tính man rợ là chưa chính xác vì bị cáo chỉ tiếp sức cho Dương chứ không trực tiếp tham gia. Tuy nhiên, việc giảm tình tiết tăng nặng này cũng không giảm đi tính chất của vụ án, mức án 16 năm tù là phù hợp. Từ những lập lập này, tòa tuyên y án tử hình đối với Tiến và 16 năm tù đối với Thoại.
“Lấy mạng tôi thay cho con được không?”
Bà Vũ Thị Thi, mẹ bị cáo Vũ Văn Tiến, đã liên tục thốt lên như vậy khi phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ thảm sát Bình Phước kết thúc.
Hình ảnh gây nhiều chú ý nhất trong phiên tòa xét xử phúc thẩm chính là cảnh bà Thi cùng con gái của mình quỳ lạy gia đình nạn nhân mong tha thứ cho con mình. Suốt phiên tòa, không lúc nào bà cầm được nước mắt. Khi chủ tọa đọc bản cáo trạng miêu tả hành vi của Tiến và Dương, có những lúc bà như ngất xỉu, người thân phải nâng đỡ. Lúc ra về, bà Thi lại giàn giụa nước mắt, kêu gào trong vô vọng, xin được chết thay con.
Bà Thi cho biết hôm nay (19-7), bà sẽ soạn một lá đơn để thỉnh cầu Chủ tịch nước cho con bà thoát tội chết.
L.Phong
Bình luận (0)