Chiếc xe tải BKS 77C-13937 lao vào đường ngược chiều như tên bắn, tông mạnh vào xe khách giường nằm, cướp đi sinh mạng của 13 người và làm bị thương 32 người.
Hình ảnh xe khách nát bét phần đầu cho thấy lực tác động khủng khiếp từ xe tải. Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vận tốc của xe tải ghi nhận lúc 4 giờ 31 phút 46 giây là 105 km/giờ, được duy trì đến khi xe này đâm vào xe khách. Bạn sẽ hình dung thế nào về một chiếc xe lao với tốc độ này? Một người bạn của tôi có 12 năm kinh nghiệm lái xe bảo: "Quá khủng khiếp! Là một tài xế có đạo đức, có lương tâm, không bao giờ cho phép mình điều khiển xe như vậy".
Nghĩ đến vụ tai nạn xảy ra tại Gia Lai, một cảm giác rùng mình chạy dọc xương sống. Theo số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Cục CSGT, trong năm 2016, cả nước xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 8.685 người chết và 19.280 người bị thương. Còn 4 tháng đầu năm 2017 xảy ra 6.366 vụ TNGT với 2.786 người chết và 5.119 người bị thương.
Những con số lạnh lùng nêu trên cho thấy cứ mỗi ngày trôi qua, hơn 20 người ra đường mà không thể trở về nhà. TNGT đã khiến bao gia đình lâm vào cảnh cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha hay thậm chí cả gia đình mất mạng. Chỉ vì muốn nhanh hơn một phút mà người lái xe đã cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Điều đáng bàn ở đây là trách nhiệm của chủ xe, cơ quan quản lý. Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe đồng thời bố trí, cắt cử nhân viên theo dõi hoạt động của tài xế 24/24 giờ để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn vi phạm. Trong vụ tai nạn này, phía DN đã không có sự can thiệp nào khi để tài xế chạy nhanh trong một khoảng thời gian dài trước khi gây tai nạn.
Còn trách nhiệm của cơ quan quản lý? Câu hỏi này được ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trả lời: Cơ quan quản lý không thể đủ lực lượng để giám sát tức thời hay chỉ đạo tức thời nhằm ngăn chặn hành vi đó mà chỉ có thể phạt nguội về sau. Vai trò cảnh báo và ngăn chặn tài xế chạy quá tốc độ đã được quy định cụ thể và giao cho chủ DN.
Đây rõ ràng là một lỗ hổng nguy hiểm. Thực tế cho thấy bên cạnh những DN vận tải làm ăn tử tế, nghiêm túc thì không ít DN gắn thiết bị giám sát hành trình, lập ra tổ theo dõi tài xế chỉ để cho có, đối phó hơn là tuân thủ luật pháp.
Tính mạng của người tham gia giao thông phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi tài xế cũng như chủ DN vận tải. Bất luận với lý do gì, khi tài xế cố tình không tuân thủ các quy định của pháp luật để rồi gây ra những vụ tai nạn thảm khốc khiến người khác phải bỏ mạng oan ức, đó là tội ác khó dung thứ.
Bình luận (0)