Các cô bé, cậu bé lãnh số năm tù nhiều hơn số tuổi. Sau một thời gian ở tù, họ đã lớn khôn và cảm nhận rõ tội ác mà mình gây ra.
Gây án để... thách đố điều tra!
Từ khi đang là học sinh, ma lực của truyện trinh thám, phim hành động, game online bạo lực đã khiến họ gây nên những vụ án khủng khiếp và tinh vi đến mức bọn tội phạm chuyên nghiệp cũng khó lòng bắt chước. Ngay cả các cán bộ quản giáo - vốn tiếp xúc nhiều với muôn hình vạn trạng loại tội phạm - cũng không khỏi kinh ngạc khi nói về hành vi của những phạm nhân “nhí” này.
Trước mặt chúng tôi là Thân Hoàng Hiếu, từng đại diện Trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) tham gia thi học sinh giỏi môn vật lý cấp TP và có tên trong danh sách dự thi Đường lên đỉnh Olympia. Sinh năm 1985 nhưng Hiếu đã ở tù được 9 năm tại Trại giam Thủ Đức (Z30D) với mức án 18 năm tù khi mới 17 tuổi và đang học lớp 11.
Là người mê truyện trinh thám, đặc biệt là nhân vật Sherlock Holmes, cậu học sinh muốn thực hiện một điều gì đó làm cho bị hại cũng như công an... không thể nào hiểu nổi! Năm 2002, Hiếu dành nửa tháng lân la đến một kho hàng trên đường Hồng Bàng (quận 5-TPHCM) để nghiên cứu kỹ địa bàn và vị trí cất giữ tài sản; sau đó, thảo ra kế hoạch hành động và rủ các bạn đồng lứa gồm Huỳnh Quang Bảo Tín, Trịnh Quốc Khải, Lê Hữu Quyền cùng tham gia.
Hiếu và Tín chui vào một thùng giấy để Khải và Quyền đóng thành một... kiện hàng. Bên trong, Hiếu chuẩn bị sẵn dao để rọc thùng, giẻ rách dùng khi vệ sinh và nước uống, đồng hồ để xem giờ.
Canh chừng đến 21 giờ, khi kho hàng chuẩn bị đóng cửa, không chuyển lên xe nữa, nhóm của Hiếu bắt đầu thuê xích lô chở “kiện hàng đặc biệt” đến xin gửi qua đêm để sáng hôm sau chuyển đi Tây Ninh.
Phạm nhân Phạm Thụy Ngọc hổ thẹn với những gì mình đã gây ra. Ảnh: QUÝ LÂM
Đến 24 giờ, khi nhận thấy chủ kho hàng đã tắt điện đi ngủ, Hiếu, Tín rạch thùng giấy chui ra. Trong lúc đang dò dẫm tìm tài sản để lấy, cả hai bị chủ kho là ông Trần Thanh (khoảng 70 tuổi) phát hiện và cùng hai người làm công soi đèn đi tìm.
Hoảng loạn, Tín dùng dao đâm ông Trần Thanh, sau đó cả 2 chạy ra đường tẩu thoát thì bị công an truy bắt. Dù 7 tháng sau bị hại mới qua đời nhưng với tính chất phạm tội nguy hiểm, có tổ chức, Hiếu bị kết án 18 năm, Tín 17 năm, Quyền 6 năm và Khải 5 năm tù.
“Tụi em không hề có ý định giết người. Mục đích trộm tài sản cũng có nhưng chủ yếu là để thể hiện mình. Em chỉ muốn gây ra một vụ án thật khó khăn, có tính thách đố cao, kích thích tính tò mò và làm cho người ta không biết tại sao xảy ra như thế. Em hối hận vô cùng!” - Hiếu giãi bày.
Buồn cho tuổi trẻ hoài phí trong trại giam một phần nhưng Hiếu càng xót xa hơn khi nghĩ về bố mẹ vì em là đứa con duy nhất của gia đình. Khi giám thị trại giam ra hiệu hết thời gian tiếp xúc, Hiếu vội vã khẩn thiết: “Em luôn cố gắng cải tạo tốt nhất để mong được về sớm, còn kịp đi học trở lại. Tội của em chỉ là sự nông nổi của tuổi trẻ, bây giờ em nhận thức được giá trị cuộc sống rồi. Mong pháp luật khoan dung để em có cơ hội làm lại cuộc đời”.
“Em sợ lắm”
Cùng sinh năm 1985, phạm tội khi đang là học sinh lớp 11 tại TPHCM và vào trại giam từ năm 17 tuổi như Thân Hoàng Hiếu, Phạm Thụy Ngọc bị phạt tù 18 năm vì phạm các tội giết người, cướp tài sản. Điều đáng nói, chỉ vì ham sở hữu những vật dụng bình thường, Ngọc đã ra tay giết chết người bạn thân ngay tại nhà mình.
Phạm nhân Thân Hoàng Hiếu (bìa phải) đang trải lòng với phóng viên Báo Người Lao Động. Ảnh: PHẠM DŨNG
Chiều 9-12-2002, Ngọc rủ Trang đến nhà mình chơi tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 - TPHCM. Sau khi đưa báo cho bạn đọc, Ngọc xuống bếp lấy hòn đá mài đập vào đầu Trang. Bị thương nặng nhưng Trang vẫn nắm tóc giằng co với Ngọc. Thấy vậy, Ngọc dùng dây áo sẵn có của Trang quấn quanh cổ nạn nhân và siết chặt.
Khi biết bạn đã chết, Ngọc bình tĩnh lột lấy đôi bông tai, điện thoại di động và cả chiếc quần jeans trên người nạn nhân. Sau khi giấu xác Trang dưới gầm giường để tìm cách phi tang, Ngọc lấy chiếc xe Max II của bạn, lắp biển số giả rồi sử dụng. Ba ngày sau, Ngọc sa lưới pháp luật.
Dù được sự động viên của cán bộ Trại giam Z30D, Phạm Thụy Ngọc vẫn không nói nên lời mà cứ cúi mặt khóc. Chỉ đến khi sắp quay về phòng giam, nữ phạm nhân này mới rụt rè cho biết bản thân quá hổ thẹn với những gì mình gây ra. “Sau 9 năm ở tù, giờ em đã lớn khôn, có thể cảm nhận rõ tội ác mà mình gây ra. Em sợ lắm khi biết cả bố mẹ Trang và bố mẹ em đều rất đau khổ” - Ngọc nói.
Tội phạm “nhí” ngày càng nhiều
Theo thượng tá Nguyễn Trọng Tuấn, Phó Giám thị Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), những năm gần đây, tội phạm nhỏ tuổi vào tù tăng đột biến.
“Trong 3 năm qua, tôi thấy nhóm tù nhân từ 25 tuổi trở xuống gần như phổ biến trong các phân trại; trong đó, khoảng 6%-7% là vị thành niên. Đây chắc chắn là bị tác động xấu từ sự xuống cấp của các giá trị đạo đức xã hội, hạnh phúc gia đình, những văn hóa phẩm độc hại như game online và phim ảnh bạo lực” - thượng tá Tuấn nói. |
Kỳ tới: Một lần lầm lỡ…
Bình luận (0)