Sáng 14-6, ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao, lần đầu tiên "đăng đàn" trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Nhiều thủ đoạn che giấu
ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) hỏi: "Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ và tham nhũng chưa tốt. Tỉ lệ các bị cáo được tòa án tuyên cho hưởng án treo nhiều dẫn đến sự hoài nghi của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội về tính nghiêm minh của pháp luật. Viện trưởng đã chỉ đạo ngành kiểm sát có biện pháp gì để xử lý nghiêm minh các vụ án này?".
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình bày tỏ sự đồng tình với đánh giá của ĐB Đỗ Thị Hoàng và lý giải rằng vì với các vụ án kinh tế, chính sách là phải thu hồi tài sản chiếm đoạt trái phép nên khi đã khắc phục hậu quả thì yêu cầu phạt tù không đặt cao. Còn án tham nhũng, trong quy định của luật có rất nhiều tình tiết được vận dụng để xử dưới khung, nhẹ hơn mức đề nghị.
Được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng bị cáo là những người có chức vụ, quyền hạn nên có nhiều thủ đoạn để che giấu tội phạm, xóa dấu vết, xóa chứng cứ.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cam kết sẽ cố gắng giảm án treo trong tham nhũng và đưa ra giải pháp: "Chúng tôi đã chỉ đạo 2 tình tiết giảm nhẹ không được vận dụng là: có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu bởi trước thời điểm phạm tội, hầu hết các bị cáo đều có nhân thân tốt. Mặt khác, không thể có chuyện đã tham nhũng rồi lại tiếp tục được làm lãnh đạo để tham nhũng tiếp".
"Chạy án" là tội phạm ẩn
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết hiện tượng "chạy án" trong các cơ quan tư pháp diễn ra khá nghiêm trọng nhưng truy cứu trách nhiệm hình sự thì không đáng kể, vì sao? Ông Nguyễn Hòa Bình không đi thẳng vào câu hỏi mà giải thích: Theo nguyên tắc, chỉ thống kê những vụ án đã nằm trong quá trình giải quyết tin báo tội phạm và quá trình tố tụng hình sự. "Còn "chạy án" là phần tội phạm "ẩn", không phải phạm vi của thống kê tội phạm mà thuộc về nghiên cứu của các nhà khoa học" - ông Bình nói.
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho biết theo báo cáo của ngành kiểm sát, năm 2012, đã hủy 236 quyết định khởi tố bị can không có căn cứ, trái pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2013, đã hủy 93 quyết định khởi tố bị can không có căn cứ, trái pháp luật. "Ông có đặt ra những mục tiêu phấn đấu làm cho con số này năm sau giảm hơn năm trước để hạn chế đến mức thấp nhất án oan sai?" - ĐB Dung hỏi. Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng tỉ lệ hủy các bản án hình sự không có căn cứ ngày càng nhiều là do tăng cường kiểm sát các hoạt động điều tra ngay từ đầu. "Mong muốn của chúng tôi là sẽ không phải hủy nữa vì đã khởi tố là đúng. Tuy nhiên, trên thực tế cũng sẽ khó đạt được điều này" - ông Bình thừa nhận.
Ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết từ ngày 27-6, các bản án tử hình sẽ được thi hành bằng cách tiêm thuốc độc. |
Sẽ họp liên ngành "vụ án vườn mít" ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) nêu bức xúc về "vụ án vườn mít" ở tỉnh Bình Phước (Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh): "Làm oan cho một con người là điều cần tránh. Xin hỏi trách nhiệm chống oan sai trong vụ án này của 3 ngành tư pháp thời gian tới, vụ án này khi nào kết thúc?". Trả lời, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình hứa: "Đây là vụ án cụ thể, chúng tôi sẽ trả lời sau". Ông Bình cho biết tuần tới sẽ họp liên ngành về "vụ án vườn mít" để có đánh giá trước khi xét xử. |
Bình luận (0)