Hồi trước, vào mùa mưa và mùa nước nổi thì dân chuyên nghiệp mới lục tục sắm sửa “đồ nghề” bắt cá. Nhưng mấy năm gần đây, lúc nào người ta cũng có thể lôi bộ xung điện (dân trong nghề gọi là xuyệt điện) ra thọc xuống sông rạch, ao hồ” - Hai Lợi, một tay “vợt điện bắt cá” chuyên nghiệp nhưng nay đã bỏ nghề ở ấp An Bình, xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nói với chúng tôi như vậy.
“Làm ăn” cả ngày lẫn đêm
Theo Hai Lợi, chỉ cần tốn khoảng 500.000 đồng đầu tư mua một bình ắc-quy 12 V (giá 250.000 đồng), một bộ biến điện “4 sò” để chuyển điện thế của bình ắc-quy sang 220 v là có thể ra nghề kiếm ăn bằng xung điện. Hai Lợi giải thích: Vốn đầu tư sắm một bộ xuyệt điện tuy khá cao nhưng hiệu quả mang lại rất hấp dẫn, nếu chịu khó càn quét các ao hồ, sông rạch thì chưa đầy tuần lễ đã có thể lấy vốn. “Ưu điểm” của phương thức đánh bắt cá bằng xuyệt điện là người sử dụng có thể mang gọn chiếc bình và giỏ đựng cá trên lưng, hai tay sử dụng hai chiếc vợt điện rất linh hoạt để rà vớt cá và bất cứ địa hình nào họ cũng có thể cơ động đến để chích điện bắt cá. Tuy nhiên, đánh kiểu này lâu ngày ao hồ, mương máng hết cá, nên hiện nay các tay vợt điện chuyển sang kiếm ăn ban đêm để dễ bề tấn công các ao cá nuôi. “Đánh úp” các ao cá nuôi hiệu quả rất lớn, chỉ cần trang bị thêm một chiếc đèn pha đội trên đầu để soi đường và phải tuân thủ chiến thuật “đánh nhanh rút lẹ”, một đêm có thể kiếm 5-7 ký tôm cá.
Nhưng, đánh như Hai Lợi hiệu quả cũng chưa cao bằng kiểu đánh trên sông của Năm Chà ở Hiệp Đức (Cai Lậy - Tiền Giang). Vẫn trang bị bình ắc-quy và biến điện cùng cặp vợt nhưng Năm Chà sử dụng xuồng ba lá để tác chiến và chỉ ra quân lúc nước dưới sông ròng sát. Vợ Năm Chà bơi xuồng chầm chậm dọc theo bờ sông, Năm Chà ngồi trước mũi quơ vợt dưới nước: cá bống, cá chạch, cá trê, cá lóc... đều ngửa bụng “nhảy” lên xuồng của vợ chồng Năm. Năm Chà nói rằng mỗi chuyến như vậy có thể kiếm được 5-6 ký cá các loại, sống dư dả.
Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Hữu Tân, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS), đưa ra một con số “kinh hoàng”: Trước năm 2000, trong một đợt vận động nhân dân tự giác giao nộp, Chi cục BVNLTS đã tiêu hủy gần 100.000 bộ ắc-quy và biến điện. Theo ông Tân, hiện nay các gia đình ở nông thôn thường có ít nhất một bộ “xuyệt điện” trong nhà.
“Hạm đội diệt cá tôm”
Thế nhưng, theo cán bộ chi cục BVNLTS các tỉnh, lực lượng đánh bắt cá bằng xung điện tuy đông nhưng tác hại không ghê gớm bằng sức tàn phá của những đoàn tàu hành nghề cào điện hằng đêm tung hoành ngang dọc trên các tuyến sông rạch chằng chịt mà dân trong nghề thường gọi nôm na là “hạm đội trên sông”. Trong giới chuyên nghề “đâm hà bá”, không ai không biết những đội tàu cào điện hùng hậu “vang danh thiên hạ” ở Khu 1 B thị trấn Cái Bè, đội cào điện Hòa Khánh (Tiền Giang), đội tàu cào Sa Đéc (Đồng Tháp), cù lao Mỹ Hiệp (Chợ Mới, An Giang), Xóm Chài TP Cần Thơ... Tư Minh, chủ một ghe cào ở cù lao Mỹ Hiệp, cho biết: Một chiếc ghe cào cỡ lớn (gắn máy ô tô) đầu tư từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, cào khơi khơi theo kiểu thuần túy thì làm suốt ngày lượng cá tôm bắt được cũng... không đủ tiền mua dầu chạy máy. Do đó, các chủ ghe cào thường đầu tư thêm chừng 500.000 đồng mua một dynamo xoay chiều, vài ký dây điện đấu nối trực tiếp vào máy nổ và giàn cào tạo ra dòng điện 220 V để đánh bắt tôm cá. “Ưu điểm” của giàn cào điện là không có bất kỳ một loài thủy sản nào thoát được khi miệng cào quét qua. Tuy nhiên, để tránh đụng độ với lực lượng BVNLTS, hầu hết những chiếc ghe sử dụng cào điện đều hoạt động về đêm và thường đi thành từng đoàn 4 - 5 chiếc để hỗ trợ nhau nên dân chúng mới đặt cho hỗn danh “ hạm đội càn quét trên sông”. Tư Minh nói, tuy mức đầu tư sắm ghe cào khá cao nhưng nếu “không có trục trặc gì” thì chưa đầy một tháng đã thu hồi vốn bởi trung bình một đêm càn quét có thể kiếm được từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/ghe, dĩ nhiên là phải thường xuyên thay đổi địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, bức xúc: “Ghe cào điện hiện nay rất lộng hành, hoạt động như chốn không người. UBND xã biết rõ ai hành nghề cào điện nhưng chỉ có thể vận động, thuyết phục họ bỏ nghề bởi muốn bắt quả tang để xử lý theo pháp luật là điều không đơn giản”.
Bình luận (0)