Người dân ngao ngán vì loài ốc lạ phàm ăn
Ốc lạ "đuổi" ngư dân
Hơn chục năm Công ty cổ phần TNHH Vedan VN (Vedan VN) xả thải gây ô nhiễm môi trường, những người làm nghề đánh bắt cá trên đoạn sông Thị Vải đã phải chuyển đến những đoạn sông xa hơn hoặc bỏ nghề.
Khi vụ việc được phanh phui, dòng sông dần xanh trở lại thì ai nấy mừng rỡ kéo nhau trở về chốn cũ mưu sinh.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, những ngày qua, khúc sông Thị Vải đoạn chảy qua địa phận xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai và xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu vắng bóng ngư dân.
Hỏi ra mới biết, người dân bỏ đi để né một “vị khách không mời”, con ốc lạ phàm ăn chuyên rúc rỉa thịt cá, tôm.
“Lưới nào kéo lên, cá tôm cũng chỉ còn trơ xương với vỏ. Có kéo lưới sớm thì nó (con ốc) cũng rỉa nham nham nhở hết rồi, còn bán cho ai được nữa. Đành kiếm chỗ khác đánh lưới thôi!” - ông Nguyễn Văn Trường, ngụ ấp 1A, xã Phước Thái than thở.
Bị ốc lạ rỉa thịt, con tôm hầu như chỉ còn vỏ
Kẻ nói quen, người nói lạ
Để xác minh chân tướng của loài ốc lạ trên sông Thị Vải, Báo Người Lao Động đã gửi mẫu đến một số nhà khoa học về sinh thái và sinh vật học.
Thạc sĩ Phùng Lê Cang- Khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, nhận định qua hình ảnh và mẫu Báo Người Lao Động đưa đến cho thấy đây là loài ốc ăn thịt, thuộc hai họ khác nhau là Buccinidae và Muciridae.
Thạc sỹ Cang cho biết ông rất ngạc nhiên khi biết hai loài ốc này xuất hiện ở sông Thị Vải. Bởi vì cả hai họ ốc này phân bố rất ít ở châu Á, tại VN chỉ ghi nhận ở khu vực sông Cửu Long.
Trong khi đó, TS Phạm Văn Miên- Viện Khoa học môi trường và phát triển, lại cho rằng đây không phải là loài ốc lạ đối với sông Thị Vải.
Một trong hai mẫu ốc được TS Miên xác định là giống Clea, họ Buccinidae, loại ốc chuyên ăn bùn thải hữu cơ và thịt động vật. Loại ốc này sống chủ yếu ở biển, chỉ một số ít sống ở môi trường cửa sông.
“Từ năm 1988, khi nghiên cứu sinh thái ở lưu vực sông Thị Vải, tôi đã gặp loại ốc này. Có thể, thời điểm Công ty Vedan xả thải, có nhiều bùn đen hôi thối nên chúng bị đẩy ra biển hoặc biến mất, đến khi Vedan không còn xả thải, chúng xuất hiện trở lại”, TS Miên nhận định.
Thế nhưng, nhiều người dân sống và đánh bắt trên sông Thị Vải khẳng định, họ chưa bao giờ thấy loài ốc này trước đó.
Bà Huỳnh Thị Đẹp (ngụ ấp 1 A, xã Phước Thái) đã có hơn 20 năm đánh bắt trên sông Thị Vải cho biết bà chưa bao giờ thấy loại ốc hút thịt tôm cá. Mặt khác, tại sao chúng lại chỉ tập trung tại một đoạn sông?
Theo TS Phạm Văn Miên thì loài ốc này không hề lạ trên sông Thị Vải nhưng người dân thì cho biết họ chỉ mới bắt gặp gần đây
Lý giải điều này, TS Miên đưa ra hai giải thuyết. Thứ nhất, theo khảo sát của ông khu vực này, trước kia người dân chủ yếu đánh bắt chem chép, không đánh bắt cá tôm nhiều nên có thể không để ý đến con ốc.
Thứ hai, có thể khu vực này có nhiều bùn thải hữu cơ, xác bã động vật làm thức ăn cho chúng, làm bùng phát về số lượng, gây sự chú ý của người dân.
Như vậy, mọi lý giải vẫn chỉ là giả thuyết. Trong khi chờ các cơ quan chức năng đưa ra giải đáp chính xác về nguồn gốc cũng như biện pháp giải quyết loại ốc này, trên khúc sông Thị Vải, một lần nữa lại vắng bóng ngư dân.
Bình luận (0)