Nhiều nông dân và chuyên gia thủy sản ở tỉnh Bạc Liêu cho biết chưa bao giờ ở đây có hiện tượng tôm chết lạ lùng như hiện nay. Phần lớn thiệt hại tập trung ở các mô hình nuôi tôm theo phương thức quảng canh - quảng canh cải tiến, vốn được đánh giá là bền vững, thân thiện với môi trường.
Tôm… sợ nước!
Thông thường, tôm chết nằm ở đáy hoặc tấp vào mé ao nhưng nhiều người nuôi ở Bạc Liêu năm nay chứng kiến cảnh tôm chết kỳ lạ. Ông Dương Văn Tốt, ngụ xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, cho biết: “Tôm của tôi thả nuôi được 2 tháng bỗng dưng nhảy lên bờ nằm chết như là sợ nước vậy”.
Về sự bất thường này, ông Nguyễn Nhân Đức, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân, giải thích: “Tôm chết có lẽ do mưa và nắng nóng kéo dài, nông dân không cải tạo nên ao đầm bị ô nhiễm. Phân tích mẫu tôm chết ở các xã đều không phát hiện bệnh đốm trắng, đầu vàng hay vi bào tử trùng”.
Hiện tượng tôm chết kiểu như vậy cũng xảy ra ở các huyện Phước Long và Giá Rai. Với mô hình nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, chuyện tôm chết cũng khó lý giải. Ngay cả mô hình nuôi tôm sạch của ông Võ Hồng Ngoãn (ngụ xã Vĩnh Trạch Đông - TP Bạc Liêu) cũng không thoát. Trong 4 ao nuôi bị thiệt hại, ngoài 2 ao tôm chết được xác định do hoại tử gan, tụy; 2 ao còn lại qua xét nghiệm không phát hiện các bệnh gây chết tôm. Là người có nhiều kinh nghiệm và gắn bó với nghề nuôi tôm hơn chục năm nay, ông Ngoãn cũng đau đầu do không biết chúng chết vì bệnh gì.
Đồng tôm thành “phòng thí nghiệm”?
Diện tích nuôi tôm bị thiệt hại ở Bạc Liêu hiện đã gần 7.000 ha. Trước tình hình tôm chết trên diện rộng ở Bạc Liêu và khu vực ĐBSCL nói chung, Bộ NN-PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện nhiều sản phẩm thuốc thú y - thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quảng cáo quá mức, chưa qua kiểm nghiệm và ngay cả sản phẩm đã bị cấm lưu hành (như cypermethrin) vẫn còn. Tại 3 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc thú y - thủy sản ở xã Vĩnh Trạch - TP Bạc Liêu, đoàn phát hiện 7 sản phẩm ngoài danh mục cho phép lưu hành. Tại một số trại sản xuất tôm giống hàng đầu của tỉnh, đoàn cũng phát hiện việc sử dụng các chất kháng sinh điều trị bệnh cho người để chữa cho tôm, điều vốn được xem là cấm kỵ của ngành.
Sản xuất kinh doanh thuốc thú y - thủy sản tràn lan không bảo đảm chất lượng đã trở thành vấn đề nhức nhối. Lâu nay, các loại thuốc chưa được kiểm nghiệm dường như vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Ông Nguyễn Tấn Khương, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, băn khoăn: “Không biết ngành chức năng quản lý thế nào nhưng các công ty sản xuất kinh doanh thuốc vẫn tự tiện tổ chức hội thảo, cấp phát thuốc cho người dân dùng thử. Qua kiểm tra, các công ty này đều không xuất trình được giấy phép tổ chức hội thảo hay giấy chứng nhận công bố chất lượng sản phẩm”.
Vẫn chưa xác định nguyên nhân (!) Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản kiêm Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, cho biết như vậy * Phóng viên: Vì sao đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây tôm chết hàng loạt, thưa ông? - Ông Phạm Anh Tuấn: Đúng là đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguyên nhân cuối cùng gây dịch bệnh ở tôm. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật là tác nhân dẫn đến tôm bị nhiễm độc gây hoại tử gan tụy. Thế nhưng, đây không phải là nguyên nhân duy nhất, chúng tôi nghi ngờ còn có thể do vi sinh nhưng các nhà khoa học Việt Nam cũng như quốc tế chưa có đủ cơ sở để khẳng định điều này. Do vậy, phải cần thêm thời gian để nghiên cứu.
* Có thông tin Việt Nam đã mời các chuyên gia quốc tế hỗ trợ trong việc tìm nguyên nhân gây bệnh ở tôm? - Hiện chúng tôi đã mời các chuyên gia Mỹ, Thái Lan, Malaysia… cùng nghiên cứu. Trước đó, chúng tôi vẫn thường xuyên hợp tác bằng cách chuyển mẫu cho các cơ quan kiểm tra nước ngoài cùng xét nghiệm tìm nguyên nhân làm tôm chết. Cho đến nay, đây là vấn đề mới nên các nhà khoa học chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. * Tình trạng tôm chết vẫn đang ở mức nghiêm trọng, vậy làm thế nào để giúp người nuôi giảm thiệt hại? - Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy dịch bệnh đang “dịu” dần, tỉ lệ tôm nhiễm bệnh đã ít hơn. Một phần là do thời tiết gần đây dễ chịu hơn, đã có mưa chứ không còn nắng nóng gay gắt như trong 2 tháng 4 và 5. Tuy nhiên, trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ gửi đến các địa phương hướng dẫn về phòng trừ dịch bệnh cho tôm. Việc làm này cũng chỉ nhằm nhắc lại vì khoảng 3-4 tuần trước đây, chúng tôi đã có hướng dẫn tương tự. * Theo ông, những người nuôi tôm cần chú ý điều gì trong thời điểm này? - Chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm cần có ao lắng, ao lọc xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi, chứ không xử lý trực tiếp các loại hóa chất, vi sinh xuống ao. Người nuôi không sử dụng thuốc diệt giáp xác cypermethrin trong ao nuôi. Ngoài ra, cũng nên dãn mật độ nuôi tôm. Trong khi “thủ phạm” gây bệnh vẫn chưa được xác định thì tốt nhất không nên nuôi tôm với mật độ quá dày. * Không ít hộ nuôi tôm đang điêu đứng vì tôm chết, vậy các phương án hỗ trợ người nuôi tôm sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông? - Các địa phương sẽ căn cứ tình hình công bố dịch bệnh để có những đề xuất hỗ trợ cho người nuôi tôm theo quyết định hỗ trợ rủi ro nông nghiệp. Còn những hộ tham gia bảo hiểm cũng sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán theo quy định. NGỌC DUNG thực hiện |
Bình luận (0)