Có thể nói, đây là dịp để những người con xa Hà Nội thể hiện nỗi lòng khao khát được trở về thủ đô yêu dấu hay được một lần đến thăm nơi hội tụ vẻ đẹp ngàn năm văn hiến của nước ta.
Hạnh phúc được viếng Lăng Bác
Trong một lần về biểu diễn tại huyện Phú Giáo - Bình Dương, ca sĩ Thanh Thúy (đoàn nghệ thuật Quân khu 7) đã hát liền 4 bài, trong đó có ca khúc Vào lăng viếng Bác của Hoàng Hiệp (thơ Viễn Phương). Chị tâm sự với khán giả rằng mỗi lần hát ca khúc này, chị lại rất xúc động, như thấy hình ảnh Bác đang hiển hiện vẫy tay chào đồng bào cả nước. Mỗi lần ra Hà Nội công tác, Thanh Thúy luôn dành thời gian để vào Lăng viếng Bác.
Về Hà Nội, được đến thăm Lăng Bác là cả một niềm hạnh phúc mà nhiều người luôn ao ước. Được tận mắt nhìn thấy Bác đang yên giấc ngủ với chòm râu bạc trắng, tôi có cảm tưởng như mình đang gặp một tiên ông trong cổ tích. Chẳng ai bảo ai, những bước chân của mọi người cứ đi chầm chậm rồi tiếc nuối khi phải bước ra khỏi Lăng nhường chỗ cho khách đến sau. Tôi đã được chứng kiến nhiều bà má miền Nam, nhiều phụ nữ cứ sụt sùi nước mắt khi rời Lăng Bác.
Chị Phạm Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập ở huyện Phú Giáo, xúc động: “Một lần về thăm quê chồng ở ngoài Bắc, nơi đầu tiên chồng tôi đưa đến ở Hà Nội chính là Lăng Bác. Chẳng hiểu sao, khi nhìn thấy Bác nằm đó, bỗng dưng nước mắt tôi cứ trào ra. Nỗi ước ao từ nhỏ là được về thủ đô thăm Lăng Bác đã toại nguyện. Sau lần ấy, tôi có thêm tư liệu và nhiều cảm xúc để truyền đạt cho học trò khi giảng dạy chủ đề về Bác Hồ”.
Du khách đến viếng Văn Miếu - Quốc tử Giám
Em Nguyễn Vinh Quang (lớp 9A1 Trường THCS Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo) đã reo lên khi được biết ba mẹ cho ra Hà Nội thăm Lăng Bác. Quang hồn nhiên: “Theo dòng người bước vào Lăng, nhìn thấy Bác Hồ, thế là mẹ con khóc. Vì là con trai nên con cố kìm nước mắt, thế mà không được. Con có cảm giác như Bác đang âu yếm nhìn mình mỉm cười. Con cứ muốn đứng thật lâu nhìn Bác. Con đã tự hứa là phấn đấu học thật giỏi để ba mẹ sẽ thưởng thêm một lần nữa ra thủ đô viếng Bác”.
Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Nguyễn Văn Quý (cán bộ hưu trí tại phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương) trầm tư: “Khi còn công tác, mỗi lần về Hà Nội, anh em cùng cơ quan bao giờ cũng đến thăm lăng Bác trước rồi mới đi đâu thì đi. Đến gần Bác, được nhìn thấy Người, tôi luôn có cảm giác yên bình, thấy lòng mình thư thái hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ Bác vẫn như đang dõi theo từng bước phát triển của đất nước”.
Có thể nói, bất cứ ai là con dân VN hay du khách quốc tế, khi được một lần đến Hà Nội thì bao giờ cũng mong trước hết là vào Lăng viếng Bác. Lăng Bác tọa lạc giữa thủ đô càng tôn vinh thêm vẻ đẹp thiêng liêng của Hà Nội.
Cái hồn của kiến trúc
Vinh dự lớn lao
Trong những ngày đầu tháng 10 lịch sử này, những ai được trực tiếp tham gia vào sự kiện đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì quả là một niềm vinh dự lớn lao. Thượng úy Nguyễn Hồng Lương (đoàn đặc công B29 - Binh chủng Đặc công) hân hoan: “Tôi thật sự phấn khởi khi được chọn tập luyện trong đội hình của Binh chủng Đặc công tham gia diễu binh dịp đại lễ. Đây là một sự kiện đặc biệt của Hà Nội nói riêng và người dân VN nói chung nên chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi được đóng góp một phần công sức của mình để làm nên sự thành công của đại lễ”. |
Ai đó đã nói rằng đến thủ đô mà chưa ghé vào Văn Miếu thì coi như mới chỉ biết Hà Nội được một nửa. Bởi lẽ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là trường học cổ của kinh thành Thăng Long và là trường ĐH đầu tiên ở vùng Đông Nam Á. Văn Miếu không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa cổ kính mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học đậm đà bản sắc dân tộc của Hà Nội.
Hôm đến thăm Văn Miếu, chúng tôi đã gặp một du khách người Thụy Sĩ là kiến trúc sư. Anh cho biết: “Sang thăm VN, đến Hà Nội, tôi rất ấn tượng với kiểu kiến trúc, từ cổng chính cho đến các dãy bia tiến sĩ, các dãy nhà cổ trong khu vực Văn Miếu”. Khi tôi hỏi tại sao lại có ấn tượng với kiến trúc của Văn Miếu, anh ngước nhìn mấy dãy nhà rồi đáp: “Vẻ đẹp cổ kính chính là cái hồn của kiến trúc. Hà Nội của các bạn đẹp chính từ vẻ đẹp cổ kính ấy”. Nhìn các bạn học sinh khắp nơi đến thăm Văn Miếu, anh nói: “Các bạn trẻ VN học rất giỏi, có lẽ nhờ họ luôn được khích lệ từ những tấm bia tiến sĩ này”.
Em Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh lớp 11A3 Trường THPT Phước Vĩnh – huyện Phú Giáo, vừa được ra Hà Nội dự hội nghị học sinh tiêu biểu toàn quân (dành cho con của bộ đội và các trường thiếu sinh quân) đã đến thăm Văn Miếu. Trở vào Nam, em tự hào kể lại cho bạn bè và người thân về chuyện được đến thăm Văn Miếu và các thắng cảnh khác của Hà Nội. Linh hào hứng nói với tôi: “Em đã đứng trước những tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu và thầm hứa với lòng mình là sẽ chăm ngoan và học giỏi hơn nữa”.
Với tâm trạng của một cô giáo, chị Lê Thị Ngọc Thủy Tiên, Trường Mẫu giáo Trà My (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) tâm sự: “Khi được tham quan Văn Miếu, tôi cảm thấy một sự thiêng liêng bao trùm. Tôi cứ đứng đọc mãi những bia tiến sĩ theo phần thuyết minh của người hướng dẫn với sự tôn kính và ngưỡng mộ vô bờ.
Bình luận (0)