Những tranh luận liên quan đến các dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) vẫn còn nóng ran trên các kênh truyền thông. Kết quả nghiêng về ủng hộ xây dựng hay để nguyên trạng còn chờ đợi quyết định của Chính phủ, điều cần bàn ở đây là sức sống của phản biện xã hội.
Thử đặt vấn đề, nếu như việc triển khai xây dựng các dự án trên bán đảo Sơn Trà không bị xới lên sau phát hiện có một không hai của người câu cá thì mọi sự sẽ thế nào? Câu trả lời là người ta sẽ tiếp tục triển khai xây dựng và chỉ 1-2 năm sau, bán đảo này sẽ bị bê-tông hóa.
Có nghĩa là trước đó, các dự án này chưa hề được phản biện đúng nghĩa, nó chỉ là những thủ tục về đầu tư xây dựng, xem xét hồ sơ có thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, hoạt động này chủ yếu là các cơ quan chính quyền "phản biện" với nhau. Trên thực tế, chưa có sự tham gia của cộng đồng, cá nhân độc lập với vai trò phản biện xã hội.
Ngay sau khi có sự phát hiện "thần thánh" của người câu cá, cộng đồng xã hội mới biết tới bán đảo Sơn Trà đang bị đe dọa bởi các dự án và nhiều người lên tiếng. Báo chí, công luận, mạng xã hội dày đặc thông tin và qua sàng lọc các ý kiến, có thể tìm thấy được những quan điểm đáng để suy xét trong việc thực hiện các dự án.
Đặc biệt, tại cuộc tọa đàm do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức để lấy ý kiến các chuyên gia, những tiếng nói thẳng thắn, công khai đã giúp cho các nhà quản lý suy xét kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của các dự án cũng như của bán đảo Sơn Trà.
Còn nhớ trước đây, khi tỉnh Thừa Thiên - Huế dự định cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước đồng loạt lên tiếng phản đối, cuối cùng tiếng nói phản biện đã chiến thắng.
Du khách đến với bán đảo Sơn Trà chính là vì nơi đây còn giữ được những gì hoang sơ, chưa bê-tông hóa Ảnh: Bích Vân
Nhìn rộng ra các dự án khắp cả nước, có thể thấy rất nhiều nơi người ta đã âm thầm thực hiện, nếu có phản biện thì đó là những thỏa thuận kín đáo trong các căn phòng máy lạnh. Người dân, kể cả những đối tượng có số phận liên quan trực tiếp đến dự án, cũng không có cơ hội để nói lên tiếng nói của chính mình. Bao nhiêu công trình thủy điện, bao nhiêu dự án lấp sông lấn biển, dân chúng luôn bị đặt trong tình thế đã rồi. Mới đây, dự án lấp sông Đồng Nai bị phản ứng dữ dội là vì làm mà không hỏi dân.
Không phải ý kiến phản biện là luôn luôn đúng nhưng một xã hội tôn trọng ý kiến phản biện thì sẽ hạn chế tối đa sai lầm của các quyết định từ phía nhà quản lý.
Trí tuệ trong dân chúng là rất lớn, biết khai thác sẽ mang lại lợi ích cho đất nước. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là tổ chức lấy ý kiến phản biện mà lắng nghe, tiếp thu một cách tôn trọng, sáng kiến hay phải được thực hiện. Nếu như tổ chức lấy ý kiến theo kiểu hình thức thì chỉ mất thì giờ của xã hội. Trước đây, khi triển khai dự án bauxite Tây Nguyên cũng có nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham gia phản biện nhưng đã không được ghi nhận. Và thực tiễn của dự án ngày hôm nay là câu trả lời.
Đời sống của phản biện xã hội phản ánh đời sống dân chủ của đất nước. Cho nên, để dân chúng lên tiếng phản biện là không chỉ mang lại hiệu quả cho các công trình, dự án mà xa hơn là tham gia vào những quyết sách của quốc gia.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng:
Phải tôn trọng!
Việc người dân có ý kiến phản biện đối với các dự án dân sinh thì đương nhiên chính quyền phải tôn trọng bởi chính quyền của dân, do dân và vì dân, dù chưa tổ chức trưng cầu dân ý để người dân quyết định mà chỉ mới tham khảo ý kiến. Tất nhiên, chính quyền không thể lấy ý kiến từng người dân mà là thông qua mặt trận, đoàn thể, thậm chí trong nội bộ của Đảng và chính quyền. Nếu phát huy rộng rãi thì phải lấy ý kiến cán bộ, công chức vì đó cũng là người dân. Nếu một nhóm có thẩm quyền quyết định mà tự quyết, không lấy ý kiến của dân thì không thể gọi là chính quyền của dân, do dân và vì dân được.
Sứ mệnh của MTTQ là phải tổ chức phản biện những công việc của chính quyền, những việc ảnh hưởng đến dân sinh và tương lai con cháu. Nếu MTTQ làm tốt việc đó sẽ có lợi hơn cho đất nước.
B.Vân ghi
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa:
Người dân phải tham gia
Luật pháp đã quy định các quy hoạch, dự án lớn phải có sự phản biện xã hội. Đây là điều hết sức cần thiết vì sẽ tạo được đồng thuận của xã hội, hạn chế thiếu sót. Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký kết với Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh để thực hiện việc phản biện trước các dự án lớn. Theo tôi, không chỉ các hội phản biện mà nhiều dự án phải lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Người dân cũng nên ý thức để tham gia đóng góp ý kiến.
PGS-TS Bảo Huy, Trường ĐH Tây Nguyên:
Dễ thất bại do thiếu phản biện
Mục đích khi triển khai dự án là làm cho xã hội chứ không phải riêng cá nhân người làm dự án nên phải lấy ý kiến đối tượng hưởng lợi, đối tượng bị tác động, đối tượng quản lý, giám sát, nhà khoa học… Mỗi đối tượng có một góc nhìn, đánh giá khác nhau nhưng đặc biệt chú trọng vào đối tượng hưởng lợi và đối tượng bị tác động để xem xét, cân nhắc khi thực hiện dự án.
Có rất nhiều dự án không mang lại hiệu quả mà nguyên nhân chính là những người có trách nhiệm với dự án chưa lấy ý kiến đầy đủ của các bên liên quan trước khi làm. Nhiều dự án thủy điện hiệu quả kinh tế thấp nhưng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đời sống người dân cũng là do thiếu sự phản biện từ các chuyên gia.
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Không ai "thèm" đóng góp là điều đau đớn!
Cơ quan quản lý nhà nước phải lắng nghe các ý kiến phản biện dù cho ý kiến đó trái ngược với mong muốn của mình. Bởi lẽ, cơ quan quản lý nhà nước đâu phải lúc nào cũng sát với thực địa, với cuộc sống. Có những vấn đề phát sinh, thời điểm này đúng nhưng thời điểm khác không đúng nữa và phải điều chỉnh cho phù hợp. Chính vì lẽ đó, hệ thống chính trị mới đưa vai trò của MTTQ vào để có sự phản biện của nhân dân, giúp công tác điều hành tốt lên. Ý nghĩa của nó rất nhân văn, sâu sắc nhưng rất tiếc là khi có những ý kiến phản biện trái chiều thì các cơ quan công quyền không thích, cứ muốn khăng khăng làm việc của mình. Bởi thế, lòng tin của nhân dân giảm sút. Nếu tình trạng này kéo dài thì chẳng ai còn muốn phản biện nữa. Anh muốn làm gì thì làm. Đó là điều đau đớn!
Muốn giải quyết vấn đề này, hơn ai hết là người đứng đầu phải nhận định đúng. Phải cầu thị, lắng nghe một cách đàng hoàng, có trách nhiệm. Còn nghe cho có, nghe để hợp thức hóa là không nên. Phải có tư duy đánh giá những phản biện đúng, thừa nhận cái đúng. Nếu không tiếp thu, phải giải thích lý do tại sao không tiếp thu và có hình thức xử lý.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Tổ chức nhóm chuyên sâu để phản biện
Cũng giống như làm luật, trong xây dựng, đầu tư các dự án phải nghe nhiều luồng thông tin, ý kiến. Trong đó, việc góp ý nhiều khi trái chiều nên cơ quan thực hiện phải "gạn đục khơi trong" sao cho phù hợp. Để công tác lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến hiệu quả hơn, một trong các giải pháp là phải tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm nhưng hài hòa, phù hợp giữa thời lượng tổ chức và số lượng người tham gia. Đặc biệt, cần lưu ý thái độ tiếp thu. Tăng cường tính phản biện, tham gia của các nhà khoa học, chuyên môn, các tầng lớp người dân vào các dự thảo luật hoặc các công trình, dự án nói riêng, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các dự án.
C.Nguyên - K.Nam - Th.Dương - Th.Dũng ghi
Bình luận (0)