Tham gia ngày hội có hơn 800 nghệ nhân, diễn viên, tuyên truyền viên, vận động viên người Chăm của các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh và TPHCM. Ngoài ra, còn có đại diện của các tỉnh: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tham gia trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa Chăm.
Vũ điệu Chămpa thướt tha luôn cuốn hút du khách trong ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm hằng năm
Các hoạt động chính diễn ra trong những ngày hội, gồm: mừng Ka Tê năm 2012 của người Chăm theo đạo Bà La Môn ở Ninh Thuận; liên hoan, trưng bày sách, phim tư liệu, mỹ thuật về văn hóa Chăm; liên hoan nghệ thuật và trình diễn trang phục Chăm, giới thiệu văn hóa ẩm thực Chămpa... Điểm nhấn là hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm”, do Viện Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam chủ trì.
Các hoạt động của ngày hội sẽ diễn ra tại 4 địa điểm: khu du lịch Tháp Poklong Garai (TP Phan Rang - Tháp Chàm), sân vận động thôn Hữu Đức, làng nghề thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng nghề gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước).
Theo ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, đây là dịp để tỉnh quảng bá du lịch địa phương, trong đó các di tích văn hóa Chăm như hệ thống đền tháp Poklong Garai, Poromê, Hòa và các làng nghề truyền thống cổ xưa thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc. Ninh Thuận có gần 60.000 người Chăm sinh sống, chiếm khoảng 10% dân số toàn tỉnh, xấp xỉ 50% số người Chăm cả nước.
Bình luận (0)