... Với những thành tựu vừa đạt được là hết sức khả quan, nhưng thật sự chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn nữa nếu QH chỉ đạo tốt hơn và bản thân các cơ quan, ban ngành biết phát huy lợi thế có sẵn. Thực sự là để đạt mức tăng trưởng GDP hơn 8% năm 2004 không đơn giản chút nào... Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang bước vào quá trình hội nhập, đứng trước cơ hội và thách thức. Mà thách thức là cực kỳ lớn. Thách thức lớn nhất chính là sức cạnh tranh của hàng hóa, năng suất lao động thấp, giá thành cao. Tuy nhiên có vượt qua được khó khăn này không, thì tôi tin là được. Mục tiêu chúng ta đang đặt ra là phát triển nhanh, hiệu quả nhưng phải bền vững.
... Đối với việc thu chi ngân sách, ông bà ta có câu: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” có lẽ đã đến lúc cần phải vận dụng, vì ngân sách chúng ta hạn hẹp. Cái bánh ngân sách thì bé, và nhiệm vụ của chúng ta là phải làm cho chiếc bánh to ra, đồng thời phải chống cả “chuột ăn mất” nữa. Vì thế, chúng ta cần hết sức cân nhắc với việc thu chi. Phải đẩy mạnh phát triển được công nghiệp chế biến. Chẳng hạn phải làm thành công công nghiệp hóa dầu, bởi vì nếu chỉ mãi chạy theo việc khai thác và bán dầu thô thì rất bấp bênh. Còn những nguồn thu từ thuế nhập khẩu sẽ giảm khi hội nhập AFTA, WTO...
Chúng ta bàn thu chi ngân sách, chính là cần bàn đến phương hướng nâng cao ngành sản xuất trong nước trong những năm tới. Trở lại việc phân bổ ngân sách cho năm 2004, các khu vực có điều kiện khác nhau thì QH phải có cách tính khác nhau. Nhưng cần điều quan trọng là cố gắng dồn sức cho các “đầu tàu” (các địa phương tạo nguồn cho ngân sách như: TPHCM, Hà Nội...) để tạo lực kéo cho việc phát triển và từ đó tạo ra nguồn ngân sách để chi và tích lũy của đất nước. Từ những báo cáo của các ban ngành có liên quan, Chính phủ, các đại biểu ở đây cho chúng ta thấy rằng đầu tư cho con người phải là yếu tố quyết định. Vì những tệ nạn như: lãng phí trong xây dựng cơ bản, tham nhũng, tiêu cực, cửa quyền, hách dịch, bệnh thành tích... chính là từ những con người, cán bộ công chức mà ra. Đây là lần đầu tiên QH bàn về phân bổ ngân sách, chắc chắn sẽ có nhiều tranh luận, nhưng hướng thì vẫn phải đảm bảo tỉ lệ cho các thành phố lớn cao hơn. Tuy vậy, cao bao nhiêu thì phải có sự tính toán trên phạm vi cả nước. Mặt khác, cũng phải tính đến việc đầu tư cho những vùng khó nhất thì mới đạt được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
(*) Tựa do Báo NLĐ đặt
Bình luận (0)