Buổi chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 22-8 đã nóng lên ngay khi bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên), liên tiếp đặt những câu hỏi về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong những sai phạm ở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Thứ nhất, căn cứ pháp lý của việc Thanh tra Chính phủ loại bỏ trách nhiệm của các bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch-Đầu tư trong kết luận thanh tra về sai phạm của Vinalines? Thứ hai, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc để ông Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Vinalines) được thuyên chuyển công tác trong lúc việc thanh tra sai phạm tại đây chưa kết thúc?.
"Trả lời trước Quốc hội về trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề cập đến nguyên nhân thiếu sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa Thanh tra Chính phủ và Bộ GTVT. Theo quy định tại Điều 46 Luật thanh tra, Thanh tra Chính phủ có thẩm quyền kiến nghị với người có thẩm quyền tạm dừng việc thuyên chuyển công tác của đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thuyên chuyển đó gây trở ngại cho quá trình thanh tra” - bà Nga đặt vấn đề chất vấn.
Nữ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tiếp đó dẫn chứng tiếp về sự bất hợp lý trong vụ việc trên: Tại thời điểm bổ nhiệm ông Dũng, quá trình thanh tra chưa hoàn thành, Thanh tra Chính phủ còn phải tiếp tục làm việc với đối tượng thanh tra để họ thực hiện quyền và trách nhiệm theo Điều 10 và Điều 50 Luật Thanh tra. Thực tế 10 ngày sau khi ông Dũng được thuyên chuyển sang vị trí mới, để hoàn thành việc kết luận thanh tra, ngày 16-2-2012, Thanh tra Chính phủ đã phải tiếp tục làm việc với Vinalines về dự thảo kết luận thanh tra. Tuy nhiên lúc này về mặt pháp lý đương nhiên ông Dũng không còn là người đứng đầu Vinalines - đối tượng đang bị thanh tra nữa.
“Như vậy không thể nói việc thuyên chuyển bổ nhiệm ông Dũng không ảnh hưởng đến quá trình ra kết luận thanh tra như đồng chí đã trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Thanh tra chưa xong nhưng qua Báo cáo của Đoàn thanh tra đã thấy vi phạm lớn liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, trong lúc này người này được chuyển công tác thay vì thực hiện quyền kiến nghị tạm dừng việc đó, Thanh tra Chính phủ lại im lặng. Xin hỏi trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc không thực hiện đúng thẩm quyền kiến nghị theo luật đã góp phần dẫn đến hậu quả ông Dũng được bổ nhiệm trong lúc đang thanh tra?” - bà Nga thẳng thắn chất vấn.
Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, cơ quan thanh tra có trách nhiệm kiến nghị để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét và xử lý trách nhiệm. Sau khi kết luận trách nhiệm của Chủ tịch tập đoàn và Ban tổng giám đốc Vinalines, Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ xem xét ba bộ: Bộ GTVT trong việc quy định về mua tàu vận tải, Bộ Nội vụ về việc bổ nhiệm cán bộ, Bộ tài chính về vấn đề quản lý tài sản nhà nước ở tập đoàn.
Về việc bổ nhiệm của ông Dương Chí Dũng, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, việc thanh tra được làm theo quy định của pháp luật nhưng công tác cán bộ Thanh tra Chính phủ không có trách nhiệm, không có thẩm quyền quản lý cán bộ.
"Ông Dương Chí Dũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên (Vinalines) trực tiếp được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và điều động. Trong lúc thuyên chuyển chưa phát hiện ông Dũng vi phạm việc quản lý tài chính ngân sách vốn ở tại tập đoàn. Cơ quan thuyên chuyển, điều động không tham khảo ý kiến của thanh tra nên chúng tôi không có trách nhiệm. Vì vậy, trong quá trình thực hiện thanh tra cũng không thể nào cản trở việc điều động, bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ trong lúc những cán bộ đấy chưa có dấu hiệu vi phạm, việc này thanh tra không có quyền can thiệp, không có quyền có ý kiến” - ông Tranh khẳng định.
Bình luận (0)