Rạng sáng nay 6-9, Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Pháp Francois Hollande tới sân bay Nội Bài (Hà Nội) rạng sáng 6-9 - Ảnh: REUTERS
Tháp tùng Tổng thống Pháp là Quốc vụ khanh phụ trách về Phát triển và Pháp ngữ André Vallini, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại Martine Pinville. Ông Hollande là vị Tổng thống thứ ba của Pháp sang thăm Việt Nam kể từ năm 1993.
Dự kiến hôm nay, sau lễ đón chính thức, Tổng thống Pháp sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cùng chứng kiến lễ ký kết văn kiện và họp báo. Tổng thống Pháp sẽ chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tổng thống Pháp Francois Hollande là vị Tổng thống thứ ba của Pháp sang thăm Việt Nam kể từ năm 1993 - Ảnh: REUTERS
Những bước chân đầu tiên của Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Việt Nam - Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Tổng thống có bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề tương lai chung của Pháp và Việt Nam với những định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thế kỷ XXI. Tổng thống cũng sẽ đi bộ ở phố cổ Hà Nội và tới thăm một nhà cổ trên phố Mã Mây.
Chiều 6-9, Tổng thống Pháp rời Hà Nội đi TP HCM. Tại đây, ông sẽ hội kiến Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, gặp các trưởng doanh nghiệp Pháp, tham dự diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp, cộng đồng Pháp tại TP HCM, thăm Viện Tim...
Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier, trong chuyến thăm này dự kiến sẽ có khoảng 20 văn bản hợp tác song phương được ký kết liên quan đến lĩnh vực tư pháp, khoa học và đại học, trợ giúp phát triển, hỗ trợ kỹ thuật, y tế. Trong đó, đáng chú ý một hợp đồng cung cấp dịch vụ sẽ được ký kết giữa Hiệp hội Kiểm tra chất lượng không khí của Ile de France Airparif và UBND TP Hà Nội với mục tiêu thiết lập một hệ thống giám sát chất lượng không khí tại Hà Nội và đề xuất với UBND thành phố các giải pháp về chính sách công nhằm cải thiện chất lượng không khí. Đại sứ cũng cho biết trong chuyến thăm này của Tổng thống Hollande, yêu cầu an ninh được đặt ra ở mức cao nhưng sẽ "không rầm rộ như chuyến thăm Việt Nam gần đây của nguyên thủ một số quốc gia khác".
Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Ý). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2015 đạt 4,2 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2014.
Tính đến 4-2016, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 461 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,4 tỉ USD.
Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỉ USD (tính từ năm 1993).
Về hợp tác an ninh - quốc phòng, Pháp là nước phương Tây đầu tiên có tùy viên quốc phòng tại Việt Nam (1991). Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước gần đây, hai bên nhất trí Việt Nam và Pháp là quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng. Bộ trưởng quốc phòng Pháp vừa thăm Việt Nam tháng 6-2016. Tháng 11-2009, hai bên đã ký Thỏa thuận giữa hai Bộ Quốc phòng thống nhất tổ chức luân phiên hàng năm Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng (cấp Thứ trưởng) để trao đổi về các vấn đề chiến lược và kế hoạch trang bị cho quân đội Việt Nam.
Bình luận (0)