xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM, 40 năm bừng sáng: Những “quả đấm” đầu tiên

Thái Phương

Sau khi xé rào tìm cơ chế, TP HCM tiếp tục là địa phương đi đầu với những mô hình làm ăn mới mẻ được triển khai và vận hành, đó là khu chế xuất đầu tiên và ngân hàng quốc doanh đầu tiên được cổ phần hóa

Từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực vào năm 1987, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên nhanh nhưng chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ. Đầu tư nước ngoài vào công nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, gặp 2 khó khăn chính là cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục xin giấy phép đầu tư và triển khai dự án đầu tư phức tạp.

Con dấu quốc huy và cơ chế “một cửa, tại chỗ”

Tại Chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 1991-2010, trong đó Chính phủ (khi ấy là Hội đồng Bộ trưởng) chủ trương thành lập khu chế xuất (KCX) nhằm khắc phục 2 khó khăn trên, cụ thể là KCX Tân Thuận. Đây là mô hình KCX đầu tiên trên cả nước ra đời vào năm 1991 tại TP HCM, liên doanh giữa Việt Nam và Đài Loan. Để chọn được mô hình này, vào thời điểm đó, thành phố đã cử nhiều đoàn đi nghiên cứu tham quan thực tế ở nước ngoài, đặc biệt là tại Đài Loan vì có nhiều đặc điểm phù hợp.

 

Sản xuất máy móc tại Công ty Juki (Nhật Bản) ở KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM 
Ảnh: HỒNG ĐÀO
Sản xuất máy móc tại Công ty Juki (Nhật Bản) ở KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM Ảnh: HỒNG ĐÀO

 

Bấy giờ, khu vực Tân Thuận (quận 7, huyện Nhà Bè trước đây) còn rất hoang sơ, đất trũng, dân cư thưa thớt; là một bán đảo sát sông Sài Gòn, nằm gần các cảng biển và có thế mạnh về tiềm năng, vị trí thuận tiện nên xây KCX sẽ có lợi thế về xuất nhập khẩu. TS Nguyễn Chơn Trung - nguyên Trưởng Ban Quản lý các KCX - KCN TP HCM (HEPZA), một trong những người đầu tiên tìm kiếm, xây dựng mô hình cho KCX Tân Thuận - nhớ lại: “Riêng tôi đi Đài Loan tới 4-5 lần và phía bạn còn mời cả bộ máy lãnh đạo của thành phố sang Đài Loan chia sẻ kinh nghiệm quản lý từng ngành như xuất nhập khẩu, kinh doanh, xây dựng, lao động… Ngay cả lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè lúc đó cũng được vận động, khuyến khích đi “học”. Thời gian đầu, HEPZA thuộc Ủy ban Hợp tác và Đầu tư nước ngoài nhưng rất “chênh vênh” và các thành viên trong ban quản lý phải “ngồi chơi xơi nước” suốt 8 tháng từ khi nhận quyết định”.

Nếu cứ hoạt động theo kiểu này thì sẽ rất khó đột phá, các thành viên HEPZA lại bàn bạc và thống nhất tìm điểm xuất phát để đưa KCX vượt lên. Họ dành cả tháng trời tìm hiểu kinh nghiệm từ các nước xây dựng KCX-KCN thành công và phát hiện ra chỉ khoảng 20% mô hình KCX thành công, mà một trong những yếu tố chìa khóa đem lại thành công là triển khai chế độ một cửa. “Tôi được cử đến gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt để đề xuất sáng kiến xin cơ chế “một cửa” cho KCX Tân Thuận, bằng cách xin con dấu quốc huy. Ai cũng băn khoăn, chỉ trừ Thủ tướng là chưa có ý kiến vì một ban quản lý mà có con dấu quốc huy thì sẽ ngang hàng với UBND cấp tỉnh” - ông Nguyễn Chơn Trung kể.

Bất ngờ đã đến, HEPZA được đồng ý cấp cho con dấu quốc huy, được quyền cấp phép đầu tư dưới 40 triệu USD và quản lý sau cấp phép và được các bộ chức năng ủy quyền xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình doanh nghiệp hoạt động. Quản lý theo quy trình và công bố một cách công khai cho nhà đầu tư để bảo đảm đúng tiến độ. Kết quả là nếu trước đó nhà đầu tư phải mất 5-6 tháng xin giấy phép thì khi áp dụng “một cửa, tại chỗ” chỉ còn 3-5 ngày. Cơ chế “một cửa” sau đó được nhân rộng ra các khu công nghiệp trên cả nước và góp phần hình thành mô hình quản lý “một cửa” được Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho cơ quan hành chính nhà nước ở các tỉnh, thành. Riêng KCX Tân Thuận, đến nay vẫn là KCX kiểu mẫu dẫn đầu cả nước về nhiều mặt.

Cổ phần hóa “hoa hậu”

Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nguyễn Hòa Bình, hồi ức: Tháng 7-2004, Vietcombank chính thức nhận “lệnh” cổ phần hóa từ Thủ tướng Chính phủ, mở đầu con đường sắp xếp đổi mới các NH quốc doanh. Vì sao chọn Vietcombank mà không phải NH khác? Một lãnh đạo NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM lúc bấy giờ cho rằng chọn Vietcombank bởi khi đó NH này đang là “hoa hậu”.

Cụ thể, sau 5 năm tiến hành đề án tái cơ cấu NH (giai đoạn 2001-2005), Vietcombank đã gây dựng được tiền đề vững chắc cho tiến trình cổ phần hóa khi xử lý thành công nợ tồn đọng, trở thành NH dẫn đầu về hệ thống công nghệ trong nước… Chủ trương chung là cổ phần hóa phải thận trọng từng bước để vừa bảo đảm không gây biến động lớn trong hệ thống NH vừa tiếp tục hoạt động kinh doanh hiệu quả. Có điều, trong suốt mấy năm trời, quá trình cổ phần hóa đã bị chựng lại và không như kỳ vọng, buộc Chính phủ phải đốc thúc đẩy nhanh tiến độ.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Hòa Bình nói ban đầu, chỉ đạo của Chính phủ là phải tìm được đối tác chiến lược rồi mới tiến hành cổ phần hóa. Sự quan tâm của Chính phủ ở thời điểm đó với việc cổ phần hóa một NH quốc doanh là rất lớn, yêu cầu phải cổ phần hóa xong trong năm 2007 và tìm được đối tác chiến lược trước khi IPO (bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng). Nhưng tìm đối tác chiến lược không dễ bởi năm 2007, thế giới xảy ra khủng hoảng tài chính, lan sang cả Việt Nam. “Tìm đối tác để đưa mình đi lên, cùng mình phát triển lâu dài thì rất khó; còn nếu chỉ tìm đối tác để họ “tung hứng” cổ phần NH mình lên rồi “hô biến” thì sẽ để lại hậu quả khó lường” - cựu Chủ tịch Vietcombank giải thích.

Phải mất 3 năm từ khi có lệnh, ngày 26-12-2007, Vietcombank mới tiến hành IPO. “Còn nhớ như in đêm 26-12 năm đó, cả tôi và các anh em trong ban lãnh đạo (gồm 4 người) rất hồi hộp. Chỉ trong một đêm, chúng tôi phải ký gần 10.000 cặp phiếu của nhà đầu tư gồm cả tổ chức và cá nhân mua đấu giá cổ phần. Ký xong, mờ cả mắt nhưng rất vui mừng vì bán sạch 97,5 triệu cổ phần, giá bình quân 107.860 đồng/cổ phiếu” - ông Bình hồi tưởng. Chỉ riêng lần IPO này, Vietcombank thặng dư hơn 10.500 tỉ đồng. Vietcombank đã bán đấu giá cổ phiếu với mức cao 107.800 đồng, gấp 10 lần mệnh giá nhưng thị trường vẫn chấp nhận. “Không có bất kỳ một “động tác kỹ thuật” nào can thiệp vào con số này mà hoàn toàn do cung - cầu và thị trường đánh giá đúng giá trị của NH lúc đó” - ông Bình nhớ lại. Trong suốt nhiều năm qua, mã cổ phiếu VCB của Vietcombank vẫn luôn đứng đầu thị trường chứng khoán, là cổ phiếu blue-chip, dù mức giá không bằng ngày trước do thị trường chứng khoán đi xuống.

Như vậy, KCX Tân Thuận và Vietcombank sau cổ phần hóa đã trở thành những “quả đấm chủ lực” tại TP HCM, đóng góp lớn vào sự phát triển của thành phố.

Kỳ tới: Bệ phóng HoSE

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo