Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,8% dân số toàn quốc nhưng đến năm 2014, TP HCM đã đóng góp 21,7% GDP cả nước (trên 40 tỉ USD) và 30,3% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân của người dân thành phố đạt hơn 5.100 USD, gấp 2,5 lần bình quân đầu người cả nước.
Nhờ đâu mà TP HCM vươn lên mạnh mẽ như vậy?
Đi trước, về trước
Trước hết, phải nói rằng chìa khóa phát triển của TP HCM chính là sự đột phá về tư duy trong xây dựng và triển khai chính sách.
Những năm đầu sau giải phóng, giữa muôn trùng khó khăn bởi cơ chế quản lý kinh tế tập trung và bao cấp, TP HCM đã mạnh dạn xé rào tìm lối đi riêng bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp tinh thần tự chủ nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm. Được chính quyền thành phố đỡ đầu, nhiều doanh nghiệp quốc doanh đã bung ra làm ăn bằng “Kế hoạch B”, “Kế hoạch 3 phần”, nhờ đó sản xuất - kinh doanh được hồi sinh, hơi thở thị trường phả mạnh vào thương giới. Trung ương đã phải thừa nhận TP HCM tiên phong và đi đúng hướng. Về sau, chính định hướng kinh tế thị trường của cả nước được thực thi và tôn trọng là nhờ ý tưởng khởi phát từ TP HCM.
Cũng chính từ thực tiễn, bằng sự năng động và sáng tạo, TP HCM còn có nhiều chủ trương đi đầu khác. Năm 1989, kinh tế tư nhân vỡ vạc nhưng không có một chế định pháp lý nào để hoạt động. Tháng 8-1989, có một chuyện mà lịch sử thế giới chưa từng ghi nhận, đó là một chính quyền địa phương (TP HCM) đã ban hành quyết định để chế định loại hình công ty, gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH… nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân mà phải 2 năm sau đó, đến năm 1991, Quốc hội mới ban hành luật. Nhờ sớm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân mà đến năm 2014, khu vực kinh tế này chiếm đến 59,7% GDP của TP HCM, giải quyết việc làm cho 70% số lao động đang làm việc trên địa bàn.
Kế đến phải kể tới việc thành lập KCX đầu tiên (Tân Thuận; đến nay TP HCM đã có 14 KCN và 2 KCX), mở thị trường giao dịch chứng khoán đầu tiên (HoSE), thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên (VietinBank, ngày 16-10-1987; sau đó là Eximbank, ngày 24-5-1989…) và từ đây, Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ngân hàng (ngày 23-5-1990), tạo điều kiện cho loại hình ngân hàng thương mại cổ phần phát triển liên tục đến nay. Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, TP HCM cũng đi tiên phong trong sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, thí điểm cổ phần hóa công ty quốc doanh đầu tiên (REE, năm 1993) để rồi đến năm 1996, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trở thành chủ trương chung của Chính phủ.
Ngoài ra còn hàng loạt mô hình đi đầu khác, như chủ trương đổi đất lấy hạ tầng, lập quỹ đầu tư phát triển đô thị, phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị, nhượng quyền khai thác đường cho các thành phần kinh tế, xã hội hóa trường học và bệnh viện, chương trình bình ổn giá, thí điểm chính quyền đô thị… “Dù “cầm đèn chạy trước ô tô” nhưng vì làm đúng với thực tiễn nên cách làm của TP HCM trở thành cái chung của cả nước. 40 năm qua, thành phố gắn với toàn bộ quá trình đổi mới, hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của nước ta” - TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, đúc kết.
Đầu tàu của cả nước
“Kinh tế TP HCM luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cho thấy nỗ lực to lớn của chính quyền thành phố, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân…” - Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đánh giá tại hội thảo khoa học “TP HCM, 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập”, tổ chức hồi giữa tháng 3-2015.
Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, TP HCM vẫn tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung cả nước. Đến cuối năm 2014, tỉ trọng khu vực dịch vụ đã chiếm 59,6% trong GDP, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 39,4% và khu vực nông nghiệp chỉ còn 1% - đang phát triển theo hướng hình thành một nền nông nghiệp đô thị sinh thái. Riêng lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, đến cuối năm 2014, có 5.310 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn hơn 36,28 tỉ USD (chiếm 14,4% vốn đăng ký và 30,1% số dự án đăng ký toàn quốc). An ninh trật tự được giữ vững trong mọi tình huống, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ và văn hóa tiếp tục là điểm sáng của cả nước…
Đặc biệt, giai đoạn 2001-2015 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng đô thị, qua đó cải thiện rất lớn diện mạo của thành phố. Từ những đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đại lộ Phạm Văn Đồng, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây… đến các tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương đang được xây dựng và phố đi bộ Nguyễn Huệ vừa hoàn thành hay các dự án môi trường đô thị như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm… đã đưa không gian đô thị và chất lượng sống của người dân lên tầm cao mới: Hiện đại hơn, văn minh hơn, đáng sống hơn.
Vậy là, với chủ trương xuyên suốt “vì cả nước, cùng cả nước”, TP HCM đã phát triển toàn diện và trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam tiến về phía trước.
Thành phố nghĩa tình
“... Tại một địa bàn 10 triệu người sinh sống, làm ăn, trong điều kiện quan hệ thị trường, các quy luật thị trường tác động rất sâu sắc, hội nhập ngày càng sâu rộng... nhưng không phải là một địa bàn mà những biểu hiện “mạnh được yếu thua”, “đèn nhà ai nấy sáng” ở xu thế chi phối; trái lại, những hành động tương thân tương trợ, quan tâm lẫn nhau, giúp đỡ chí tình và vô tư lúc khó khăn, hoạn nạn là phổ biến, trở thành giá trị sống cho đông đảo nhân dân thành phố, là một trong những thành tựu rất to lớn, đồng thời là động lực quan trọng, đúng đắn cho sự phát triển bền vững của thành phố - một đô thị đặc biệt hiện đại, văn minh, nghĩa tình...”.
(Trích tham luận của ông Nguyễn Văn Đua,
nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, tại hội thảo khoa học
“TP HCM, 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập”)
Bình luận (0)