“Tôi không thể nào quên lần đầu tiên trong lịch sử, đồng bào ta phải ăn cơm độn bo bo, bột mì và khoai sắn. Việc cung cấp theo định lượng cho cán bộ, nhân viên và nhân dân lao động giảm sút về số lượng lẫn chất lượng. Công nhân xí nghiệp quốc doanh phải nghỉ việc ăn lương 70% vì thiếu nguyên liệu, vật tư” - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải mở đầu hội thảo khoa học “TP HCM - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” bằng hình ảnh Sài Gòn những năm sau giải phóng. Hội thảo do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức ngày 17-3.
Vượt qua sóng gió
Theo nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ngay sau năm 1975, TP HCM bắt tay vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh hết sức khó khăn khi quá khứ để lại nhiều hậu quả nặng nề. Chưa kể phải đương đầu bộ máy ngụy quân, ngụy quyền rất lớn và phức tạp về nhiều mặt; nhiều nhà máy ở TP thiếu nguyên liệu, điện nên ngưng hoạt động; tệ nạn xã hội tràn lan; nền kinh tế chủ yếu dựa vào viện trợ từ bên ngoài nên yếu kém, què quặt…
Trong khi đó, vết thương 30 năm chiến tranh còn đau đớn, TP phải đương đầu với những thử thách mới vô cùng nghiệt ngã khi thiên tai nghiêm trọng xảy ra dồn dập, chiến tranh biên giới Tây Nam gây ra những tổn thất mới, nguồn viện trợ từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu ngày càng suy giảm, giá cả trên thị trường thế giới luôn đột biến. Đặc biệt, sự liên tục leo thang lạm phát với những con số phi mã đã làm thợ thuyền rời nhà máy, công nhân - viên chức bỏ cơ quan và làn sóng “thuyền nhân” đi vượt biên, di tản.
“Thời đó, TP phải chạy ăn từng bữa cho 3,5 triệu dân. Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường kể lại câu chuyện vui là trong thời gian làm Chủ tịch UBND TP, mỗi khi đến vùng ĐBSCL để chạy lương thực, thực phẩm cho dân, lãnh đạo các địa phương thường hay ví chủ tịch UBND TP bằng biệt danh chủ tịch gạo, chủ tịch heo” - nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhớ lại.
Tự mình “trải nghiệm” giai đoạn giao thời giữa chiến tranh và hòa bình những năm 1975, PGS-TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho biết đây là thời kỳ đầy sóng gió và nhiều phức tạp. Chiến tranh, đói kém, tệ nạn xã hội, sự chống phá của các thế lực thù địch cùng những sai lầm, duy ý chí trong cải tạo, xây dựng kinh tế, quản lý điều hành xã hội, tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, “bán như cho, mua như cướp”… gây nên tâm lý bất an cho mọi tầng lớp xã hội.
“Người dân truyền nhau phương ngôn “ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm lo việc nước” (việc nhà là bó rau, lon gạo, chai nước mắm; việc nước là lo đi hứng nước để nấu ăn, tắm giặt). Hình ảnh từng đoàn người rồng rắn xếp hàng cả ngày trước các cửa hàng lương thực quốc doanh, cảnh từng nhà rải gạo lên mâm để lượm thóc, trấu… trở thành nỗi trăn trở, day dứt, suy ngẫm thường trực của những người lãnh đạo vốn xuất thân từ dân, sống gắn bó với dân trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh” - ông Biên hồi ức.
“Xé rào”, “cởi trói”
Để rồi 40 năm sau, TP HCM tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên và 8,8% dân số cả nước nhưng đến năm 2014 đã đóng góp 21,7% GDP cả nước; 30,3% tổng thu ngân sách nhà nước; thu nhập bình quân của người dân đạt 5.131 USD, bằng 2,5% so với bình quân đầu người toàn quốc.
Có nhiều minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của TP nhưng theo nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đó là sự năng động, sáng tạo. Hai cuộc hội nghị lịch sử lần thứ 9 và 10 của Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM vào mùa hè 1979 và 1980 đã mở đầu điểm đột phá theo hướng nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo cơ sở, phát huy mọi khả năng sản xuất.
Ông Phan Văn Khải cho biết chính trong thời điểm này đã chứng kiến sự xuất hiện hàng loạt mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến như Công ty Bột giặt Miền Nam, Xí nghiệp Thuốc lá, Xí nghiệp Cầu Tre, Dệt Thành Công, Phong Phú...
“TP HCM đã “xé rào” để tìm chân lý thực tiễn từ cuộc sống, không chịu thua trước những khó khăn, thách thức, trói buộc về thể chế…” - TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, khẳng định. Ông cho biết đến đầu những năm 1980, TP đã mạnh dạn thử nghiệm kế hoạch 3 phần và mở rộng xuất khẩu trực tiếp với vốn tự có để chủ động nhập vật tư nguyên liệu, cân đối cho sản xuất của địa phương, đồng thời bổ sung cho các doanh nghiệp trung ương trên địa bàn.
Việc thử nghiệm mang lại kết quả to lớn, giúp nhiều xí nghiệp phục hồi sản xuất, đời sống người lao động được cải thiện, TP có nguồn hàng hóa phục vụ cho mạng lưới thương nghiệp bán lẻ.
Đặc biệt, một sự kiện khắc ghi như là mốc son lịch sử của quá trình đổi mới tư duy trong việc hoạch định chính sách phát triển của TP trong 10 năm đầu sau ngày giải phóng là “Hội nhập Đà Lạt” vào trung tuần tháng 7-1983.
Theo ông Phan Xuân Biên, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tổ chức cho giám đốc các doanh nghiệp cách làm ăn mới theo cơ chế của TP trực tiếp báo cáo với các lãnh đạo cao cấp của trung ương đang nghỉ mát ở Đà Lạt, rồi mời họ về tham quan và khảo sát thực tế.
“Sự kiện đó không chỉ “minh oan” cho cách làm theo kiểu “xé rào” của TP để cố vượt ra khỏi cơ chế cũ mà còn tác động tích cực, có hiệu quả đến sự hình thành đường lối đổi mới” - ông Phan Xuân Biên nhìn nhận.
Sâu nặng nghĩa tình
Gắn bó trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập của TP, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua nhận thấy trong giai đoạn phát triển nào, nét nghĩa tình cũng luôn tỏa sáng, được kế thừa và phát triển ngày càng sâu đậm trong nhận thức, ứng xử của người dân TP. Cụ thể, TP đã phát động rất sớm phong trào đền ơn đáp nghĩa, giáo dục sâu sắc truyền thống uống nước nhớ nguồn, được sự hưởng ứng tự giác, mạnh mẽ, rộng rãi, sôi nổi và liên tục của đông đảo nhân dân.
“Tại một địa bàn 10 triệu người sinh sống, trong điều kiện quan hệ thị trường chi phối sâu sắc nhưng những biểu hiện “mạnh được yếu thua”, “đèn nhà ai nấy sáng” không ở xu thế chi phối. Trái lại, những hình ảnh tương thân tương ái, quan tâm lẫn nhau, giúp đỡ chí tình, vô tư lúc khó khăn, hoạn nạn trở nên phổ biến, thành giá trị sống của đông đảo người dân. Đây chính là một thành tựu quan trọng, to lớn của TP trong 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” - ông Đua nhấn mạnh.
Về dự hội thảo, GS - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu cũng khẳng định chính nghĩa tình đã tạo cho TP sức mạnh giành được mọi thắng lợi. TP đã trải qua giai đoạn “đi trước về sau” rất gian khổ, là đầu sóng ngọn gió không thể nào quên. Bây giờ, TP “đi trước, về đích trước” nhưng không thể nào quên một giai đoạn “đi trước về sau”...!
Một số mô hình được nhân rộng cả nước
- Thí điểm thành công việc hình thành KCX-KCN. KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên tại Việt Nam được thành lập vào năm 1991.
- Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) là doanh nghiệp được cổ phần hóa đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1993.
- Là nơi ra đời giao dịch chứng khoán thông qua Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM, sau này gọi là Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.
- Thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên của cả nước.
ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải:
“Tuyên chiến” với những cơ chế cũ
Mười năm đầu sau giải phóng quả thật gian nan, thử thách rất khắc nghiệt đối với TP. Làm sao để đáp ứng yêu cầu “Xây dựng TP HCM mạnh về mọi mặt, một thành phố xã hội chủ nghĩa có cơ cấu công - nông nghiệp hiện đại, có văn hóa, khoa học tiên tiến, một thành phố văn minh hiện đại có tầm cỡ ở Đông Nam châu Á”? Vấn đề ấy được trả lời bằng bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng bộ, bằng bản chất cách mạng và sức mạnh to lớn của nhân dân nên đã có những bước đột phá, tháo gỡ vướng mắc, đấu tranh và từng bước chiến thắng những trở lực của cơ chế cũ. Với thành quả này, chúng ta càng thấm thía lời nhắn nhủ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Cái mới không dễ được chấp nhận. Còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để bằng thực tế với cung cách làm ăn có hiệu quả mới có thể thay đổi dần cách nghĩ, cách điều hành theo lề lối cũ”.
Bình luận (0)