Sáng nay, 8-2, tại tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức khánh thành giai đoạn 2 đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, chính thức thông xe toàn tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam. Tuyến cao tốc này khởi công vào tháng 10-2009, đi qua các quận 2, 9 (TP HCM) và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai).
Góp phần giải quyết ùn tắc
Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài gần 55 km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80-120 km/giờ với tổng số vốn đầu tư hơn 20.600 tỉ đồng. Dự án chia thành 2 đoạn.
Đoạn đầu từ nút giao An Phú (quận 2, TP HCM) đến huyện Long Thành (Đồng Nai) dài 23,9 km, đi qua hai quận 2 và 9
(TP HCM), hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai), với vận tốc cho phép 80 km/giờ. 20 km đầu của tuyến cao tốc đi qua địa bàn TP HCM đã thông xe từ tháng 1-2014. Tháng 1-2015, đoạn 4 km từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai II (quận 9) cũng được đưa vào khai thác.
Việc đưa giai đoạn 1 của dự án vào sử dụng đã giúp rút ngắn đoạn đường TP HCM - Vũng Tàu còn 95 km với thời gian khoảng 1 giờ 20 phút, thay vì 120 km với 2 giờ 30 phút như trước đây. Theo chủ đầu tư VEC, giai đoạn thành phần 1 là hạng mục phức tạp nhất của dự án vì có tới 11,5 km cầu và cầu cạn. Sau 1 năm đưa vào khai thác, tuyến này đã phục vụ hơn 5 triệu lượt phương tiện lưu thông.
Trong khi đó, đoạn 2 của tuyến cao tốc (Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) cho phép lưu thông với vận tốc 120 km/giờ, riêng cầu Long Thành 100 km/giờ, với 4 làn xe. Cầu Long Thành cũng chính là điểm nhấn của giai đoạn này với chiều dài 2,35 km. Đoạn từ nút giao Quốc lộ 51 đến nút giao Dầu Giây có đến 9 cầu và cầu vượt.
Theo ông Phạm Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc VEC, khi toàn tuyến cao tốc được thông xe, với tốc độ cho phép lưu thông 80-120 km/giờ thì thời gian từ trung tâm TP HCM ra Dầu Giây chỉ còn khoảng 1 giờ thay vì hơn 3 giờ đi Quốc lộ 1. Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng đã kết nối với Đại lộ Đông - Tây (đường Mai Chí Thọ), ô tô không phải vòng qua đường Đồng Văn Cống và Vành đai II như trước, góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2), đồng thời rút ngắn khoảng cách từ trung tâm TP HCM vào đường cao tốc thêm 5 km.
Giao thông thông minh
Ông Phạm Hồng Quang cho biết TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam với những điểm nổi bật: toàn tuyến có 3 nút giao khác mức, bảo đảm nguyên tắc chống giao cắt; các tiêu chuẩn về độ dốc dọc, đường cong đứng, đường cong nằm đều đạt mức độ tối đa quy định cho đường cao tốc.
Dọc đường cao tốc có tôn sóng và hàng rào ngăn cách với khu vực dân cư; 100% diện tích mặt đường được trải thảm bê tông nhựa tạo nhám. Tuyến đường cũng được đầu tư bộ cân xe tự động tốc độ cao, bảo đảm kiểm soát xe vượt tải trọng cả khi đang lưu thông trên đường, không cần dừng lại. Ngoài ra, tuyến cao tốc này còn có gói thầu “Giao thông thông minh” - ITS với hệ thống camera giám sát hình ảnh trên toàn tuyến, kiểm soát lưu lượng xe tại nhiều vị trí. Tuyến cao tốc này cũng áp dụng công nghệ thu phí không dừng, tiết kiệm được nhiều thời gian cho các phương tiện.
Theo một lãnh đạo Bộ GTVT, tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nằm trong hệ thống chiến lược phát triển đường cao tốc trên cả nước. Việc đưa vào sử dụng tuyến cao tốc này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khởi công đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Ngày 7-2 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT đã khởi động lại dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 gồm tuyến cao tốc dài khoảng 51,1 km và tuyến nối 4,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 14.678 tỉ đồng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và hoàn vốn bằng thu phí đường bộ trong 20 năm. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa tiếp nối đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi động lại sẽ góp phần từng bước hoàn thành tuyến cao tốc TP HCM - Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các trục đường chính, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, rút ngắn thời gian đi lại, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư xây dựng trong khu vực, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1.M.Sơn
Bình luận (0)