xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM đối mặt ngập kép

GIA MINH - THÀNH ĐỒNG - SỸ ĐÔNG

Các công trình chống ngập chưa thật sự phát huy tác dụng thì đỉnh triều ngày càng cao, đẩy TP HCM đối mặt tình trạng ngập kép

Theo thống kê, trong vòng 40 năm (1962-2002), TP HCM chỉ có 9 cơn mưa trên 3 giờ đạt vũ lượng hơn 100 mm. Trong khi 10 năm nay, TP đã xuất hiện 30 trận mưa lớn, có năm mưa trong vòng 1 giờ đã đạt vũ lượng 100-122 mm. Chưa kể, đỉnh triều ở TP luôn cao hơn 1,5 m (trong khi 63% diện tích của TP có độ cao trung bình dưới 1,5 m) nên chắc chắn gặp mưa kết hợp triều thì nhiều nơi sẽ ngập nặng.

Vật vã vì mưa, bơ phờ vì triều

Cơn mưa dai dẳng đổ xuống trên diện rộng, kết hợp với triều cường tại TP HCM ngày 3-10 khiến hàng ngàn người dân một lần nữa lại bơ phờ bởi ngập nước, kẹt xe.

Trên nhiều tuyến đường thuộc cửa ngõ phía Đông TP, cơn mưa gây cảnh ùn ứ nghiêm trọng suốt nhiều giờ liền khiến hàng ngàn người trễ giờ làm, giờ học. Từ khoảng 6 giờ 30 phút, dòng xe như chôn chân từ đoạn lên dốc cầu Bình Triệu 2 cho đến giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (quận Bình Thạnh). Hàng ngàn người bất lực vì không thể lưu thông đã tấp vào lề đường chờ kẹt xe giảm bớt, trong khi nhiều người khác nóng ruột vì trễ giờ nên đi ngược chiều đường Phạm Văn Đồng để chuyển hướng qua các tuyến đường khác như Nguyễn Xí, Phan Văn Trị, Lê Quang Định… Tuy nhiên, tình hình cũng không khá hơn khi các tuyến đường này đang chịu chung số phận ùn ứ nghiêm trọng.

Chung cảnh ngộ, tại cửa ngõ phía Tây Bắc TP, hàng ngàn người cũng bơ phờ do kẹt xe kéo dài ở các tuyến đường như Trường Chinh, Cộng Hòa, Cách Mạng Tháng Tám… Dòng xe xếp ken đặc trên mặt đường, kèn cựa nhau từng chút để lưu thông trong cơn mưa. Tại nhiều giao lộ, dù lực lượng CSGT đứng chốt để phân làn nhưng tình hình ùn ứ phải qua nhiều giờ mới có dấu hiệu chuyển biến.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) ngập sâu do mưa và triều cường dâng vào chiều 3-10 Ảnh: SỸ ĐÔNG
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) ngập sâu do mưa và triều cường dâng vào chiều 3-10 Ảnh: SỸ ĐÔNG

Cơn mưa bắt đầu ngớt vào khoảng 9 giờ nhưng lại tiếp tục đổ xuống chiều cùng ngày với lượng mưa lớn hơn ở một số khu vực như quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp…, cộng thêm việc triều cường dâng cao khiến hàng loạt tuyến đường nước chưa kịp rút lại tiếp tục ngập. Khổ nhất phải kể đến khu dân cư ven đường D1 (phường 25, quận Bình Thạnh) khi nước đen cuồn cuộn trào lên từ các hố ga trong cơn mưa, ngập lênh láng và tràn vào nhà dân. Nhiều hộ dân không ngờ cơn mưa dai dẳng đổ xuống nên chẳng kịp trở tay khi nước tràn vào nhà.

“Dù đã kê kích đồ đạc lên cao nhưng nước vẫn ngấm vào làm hư hỏng. Khu vực này hễ mưa lớn hoặc triều cường là ngập, chúng tôi biết lấy tiền đâu để nâng nền nhà hết lần này đến lần khác!” - chị Nguyễn Thị Thanh Trang, chủ một tiệm cắt tóc tại khu vực này, vừa nói vừa chỉ xuống nền nhà ngập lênh láng.

Từ lâu, người dân sống bên đường số 38 và Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) đã quá khổ với cảnh ngập lụt không lối thoát mỗi khi triều cường dâng. “Ngập diễn ra cả chục năm nhưng chẳng có giải pháp nào ngăn. Thật không hiểu nổi!” - ông Nguyễn Văn Thu, người dân địa phương, bức xúc.

Vẫn phải chờ!

Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh cho biết 2 tuyến đường D1 và Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nên UBND quận rất quan tâm. Nguyên nhân ngập là do hệ thống cống hai tuyến đường trên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước của khu vực này. Mấy năm qua, UBND quận Bình Thạnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) và Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 có các biện pháp để giải quyết tình trạng ngập úng trên các tuyến đường này. Thế nhưng, đến nay vẫn phải chờ!

Đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức thừa nhận đường Hiệp Bình vẫn còn ngập khi trời mưa và triều cường. Nguyên nhân là do khi triều cường dâng cao thì cống được đóng lại, nước mưa không thoát được nên trồi lên. Bên cạnh đó, 2 điểm ngập ở rạch Cầu Quán và đường số 38 là do nắp cống làm bằng gỗ bị hư nên nước từ kênh rạch tràn vào đường. Hiện phường đã thuê Trung tâm Chống ngập thay các nắp cống này, khi hoàn thành sẽ giải quyết được tình trạng ngập úng nơi đây.

Trong khi đó, Trung tâm Chống ngập cho biết đến nay, việc chống ngập do triều của TP chưa thật sự “an toàn” bởi nhiều dự án đang dở dang. “Dự án 1547 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ lâu nhưng đến nay chỉ mới có cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thực hiện. Dự kiến, trong năm nay sẽ triển khai tiếp 8 cống kiểm soát triều, 20 km đê bao nhưng phải đến năm 2020 mới phát huy tác dụng” - ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Chống ngập, thông tin và cho biết cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè đưa vào vận hành, chỉ chống ngập được một phần các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh và Phú Nhuận. Điều này có nghĩa số quận, huyện còn lại vẫn liên tục bị “bà thủy” đe dọa.

Mưa cộng triều cường đã đẩy nhiều nhà dân vào thế… tát nước chống ngập Ảnh: GIA MINH
Mưa cộng triều cường đã đẩy nhiều nhà dân vào thế… tát nước chống ngập Ảnh: GIA MINH

Theo TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM), dự án trên cùng với 13 cống ngăn triều, 6 tuyến đê bao lớn bao quanh bờ hữu ven sông Sài Gòn - Nhà Bè, Sài Gòn - Đồng Nai… được xem là sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng cho TP HCM. Thế nhưng, dự án hiện vẫn còn ngổn ngang vì thiếu vốn, vướng mặt bằng. Trong khi đó, giai đoạn 2 của dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng đang được xây dựng với tiến độ... rùa. “Ngoài các dự án trên, dự án ngăn triều sông Soài Rạp nhằm khép kín hoặc khép kín một phần sông Đồng Nai, bảo vệ TP HCM thoát khỏi nguy cơ ngập do triều cường cũng mới nằm ở ý tưởng vì khó khăn đủ kiểu” - TS Phi nói.

GS-TS Nguyễn Tất Đắc, Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng khi triều cường ở các hệ thống sông, rạch dâng cao, nước ở hệ thống cống không còn chỗ thoát nên chảy ngược lại, tràn ra đường cộng với mưa thì ngập là đương nhiên. “TP phải nhanh chóng thực hiện các cống ngăn triều để ngăn chặn sự xâm nhập của triều cường, thực hiện các hồ phân tán để trữ nước khi có mưa mới mong kéo giảm và hạn chế được tình trạng ngập do mưa và triều cường” - ông Đắc kiến nghị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo