Theo ghi nhận tại một số tuyến đường như Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Lê Quang Sung (quận 6), Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Tạ Uyên (quận 5), Hồng Bàng (quận 11)…, nhiều “lô cốt” dựng lên sừng sững cản trở việc lưu thông của người dân và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn ứ kéo dài vào giờ cao điểm.
Cản trở lưu thông, kinh doanh ế ẩm
Dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp bắt đầu thi công từ tháng 10-2014. Từ đó đến nay, do nửa mặt đường bị rào để lắp đặt hệ thống thoát nước, tuyến đường này luôn trong tình trạng ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm. Bụi bay mù mịt, các cửa hàng có rào chắn công trình lâm vào tình trạng ế ẩm, nhiều chủ phải trả mặt bằng tìm nơi khác kinh doanh.
Cùng chung cảnh ngộ, các lô cốt trên đường Hồng Bàng, Tạ Uyên cũng khiến người dân toát mồ hôi khi lưu thông qua đây. Đặc biệt, lô cốt trên đường Hồng Bàng (đoạn Vòng xoay Cây Gõ) nằm gần đèn đỏ nên cứ đến giờ cao điểm là kẹt xe. Không những thế, máy móc đào đường gầm rú khiến người dân mất ăn mất ngủ.
Đường Điện Biên Phủ (đoạn qua cầu Văn Thánh, quận Bình Thạnh) cũng bị chiếm 1/4 mặt đường. Theo bảng thông tin công trình, công trình sửa chữa đường vào cầu Văn Thánh trên đường Điện Biên Phủ khởi công từ ngày 11-1-2016, trong thời gian 60 ngày nhưng đến nay vẫn chưa xong. Khổ nhất là các sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP HCM phải đi bộ len lỏi giữa một bên là xe máy, một bên là hàng rào vì lối đi riêng đã bị công trình rào lại.
Khẩn trương thi công
Theo ông Hồ An Kha, chỉ huy phó công trình xây dựng hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp, đơn vị đã thi công xong việc lắp đặt ống thoát nước từ cống đập Rạch Chiếc đến xa lộ Hà Nội. Hiện chỉ còn một đoạn ngắn ở mương thoát nước vẫn chưa thi công xong do vướng công trình ngầm. Trong ngày 16-4, đơn vị sẽ tái lập mặt bằng các phui đào và giải tỏa các hàng rào để người dân tiện lưu thông. Đến cuối tháng 4-2016, đơn vị sẽ trải nhựa trên tuyến đường này.
Còn ông Hoàng Nhựt Hải, chỉ huy trưởng công trình cải tạo hệ thống thoát nước Hồng Bàng, cho biết dự án đi qua 3 quận 5, 6 và 11 có chiều dài khoảng 11 km. Theo thiết kế, đơn vị thi công phải đặt các loại cống thoát nước có đường kính khoảng 2-3 m nên việc dựng rào chắn để thi công các phui đào chiếm diện tích lớn. “Chúng tôi đã cố gắng thu hẹp diện tích dựng rào chắn để ít ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân; đồng thời đề nghị hạn chế ô tô qua tuyến đường Tạ Uyên để giảm tình trạng ùn ứ kéo dài. Riêng vị trí vòng xoay Cây Gõ do đang thi công gần đèn tín hiệu giao thông nên các phương tiện chỉ bị ùn ứ khi đèn đỏ, đèn xanh sẽ hết ùn tắc” - ông Hải nói.
Về phản ánh tiến độ thi công chậm, ông Hải khẳng định việc đào đường lắp đặt công trình ngầm vẫn đúng tiến độ. Hiện một số tuyến đường vẫn chưa thể đào đường do vướng công trình ngầm như cáp viễn thông, đường ống nước sạch sinh hoạt… như đường Minh Phụng, Lạc Long Quân. “Chúng tôi phải làm việc với các đơn vị viễn thông, cấp nước để tránh tình trạng phui đào kéo dài do vướng công trình ngầm. Bên cạnh đó, đơn vị thi công theo kiểu tịnh tiến, nghĩa là khi tái lập mặt bằng được bao nhiêu thì được phép tiếp tục đào đường một đoạn có chiều dài bấy nhiêu” - ông Hải nói.
Gia hạn đến ngày 14-5
Ông Phan Quốc Bảo, Chỉ huy trưởng công trình sửa chữa đường vào cầu Văn Thánh trên đường Điện Biên Phủ, cho biết bản quá độ cầu của cầu Văn Thánh đã bị xuống cấp nên có độ dốc lớn, phải bù lún liên tục khiến các phương tiện đi qua đây không bảo đảm an toàn. Sau khi thi công, bản quá độ cầu sẽ êm và có độ dốc phù hợp cho các phương tiện lưu thông. Ban đầu đơn vị thi công dự tính rào nửa đường vào cầu để thi công cho nhanh. Tuy nhiên, khi dựng hàng rào, các phương tiện bị ùn ứ do áp lực giao thông lớn nên phải điều chỉnh phạm vi dựng hàng rào còn 1/4 tuyến đường. Hiện công trình đã xin Sở Giao thông Vận tải TP và chủ đầu tư gia hạn đến ngày 14-5.
Bình luận (0)