Công ty Toshin Development (Nhật Bản) vừa đề xuất với UBND TP HCM về việc xây dựng dự án “Khu phố ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành - nhà ga Nhà hát TP” tại trung tâm TP với tổng mức đầu tư 8.392 tỉ đồng. Trong đó, vốn của UBND TP HCM vay ODA là 4.982 tỉ đồng dùng để xây dựng lối đi, quảng trường công cộng và các công trình phụ trợ; phần còn lại là vốn của nhà đầu tư nhằm xây dựng và quản lý khu vực mua sắm bằng hình thức đầu tư trực tiếp, xây dựng một phần dự án công bằng nguồn vốn tư nhân theo hợp đồng BT.
Nên cho tư nhân đầu tư
Theo đề án, khu phố ngầm này kéo dài từ khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành đến nhà ga Nhà hát TP gồm 4 tầng hầm với tổng diện tích hơn 45.400 m2. Trong đó, phố đi bộ chiếm 21.600 m2; khu mua sắm, ẩm thực, vui chơi, giải trí là 16.800 m2; còn lại là các công trình phụ trợ. Thời gian dự kiến xây dựng là cuối năm 2019, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2024. UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các cơ quan chức năng để đánh giá phương án khả thi. Chủ đầu tư dự án cho rằng phần vốn nhà nước sẽ được thu hồi trong vòng 13 năm kể từ ngày công trình đi vào hoạt động, đồng thời dự án không chỉ là trung tâm thương mại mà còn hướng đến việc hình thành một khu đô thị TP dưới lòng đất với quy mô lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Nói về dự án này, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, cho rằng việc xây dựng khu phố ngầm ở trung tâm TP là cần thiết, tạo điều kiện hình thành một khu đô thị dưới lòng đất trong tương lai. “Nó kết nối giữa tầng ngầm của metro mà TP đang xây dựng với các tầng ngầm các cụm công trình cao tầng lân cận” - ông Sơn nói.
Theo TS-KTS Sơn, việc xây dựng này sẽ rất tốn kém vì kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy vốn đầu tư công trình ngầm luôn gấp đôi so với xây dựng trên mặt đất. Trong khi đó, nếu cạnh tranh về giá cho thuê mặt bằng đối với các khu trung tâm thương mại khác trên mặt đất thì trung tâm thương mại ngầm thường yếu thế hơn nên dự án sẽ khó thu hồi vốn. Đó là chưa nói đến chi phí trong việc vận hành như hệ thống điện cho chiếu sáng và động lực, tổ chức quản lý, bảo vệ… làm cho vốn đầu tư cơ sở ban đầu sẽ đẩy lên rất cao. “Việc đầu tư sinh lợi thì để cho các đơn vị tư nhân làm còn TP nên đầu tư vào các công trình công cộng phục vụ lợi ích của người dân. Vì vậy, TP nên ủng hộ và tạo điều kiện để Toshin Development thực hiện” - ông Sơn kiến nghị.
Giảm áp lực giao thông
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc xây dựng khu phố ngầm sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch kiến trúc của TP. Ngược lại, khi khu phố ngầm này được hình thành sẽ kết nối với hệ thống nhà ga metro và người dân có thể đi bằng đường hầm nên giảm áp lực giao thông, hạn chế kẹt xe. Tuy nhiên, về lâu dài, TP nên tính đến việc kết nối ngầm kết hợp trên mặt đất và trên cao để tạo sự liên kết, thu hút các đơn vị đầu tư, kinh doanh buôn bán. Theo ông Sơn, ngoài Nhật Bản, TP cũng nên mời những chuyên gia của các nước vốn đã thực hiện các công trình ngầm rất tốt trên thế giới như Canada, Mỹ… giúp đỡ.
Về tính khả thi của dự án, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng trong điều kiện hiện nay, đây là việc đầu tư cần thiết vì làm cho ga metro phát huy hiệu quả tốt hơn, thu hút người dân đi lại nhiều hơn. “Nó sẽ tạo sự kết nối mạng lưới giao thông công cộng với thương mại mà nhiều nước trên thế giới đã làm thành công” - ông Sanh nhấn mạnh.
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, việc xây dựng khu phố ngầm đã được nhiều nước trên thế giới xây dựng và rất thành công. Đây là công trình đòi hỏi kỹ thuật cao. Trong khi đó, trung tâm TP HCM có nền đất yếu, cần kỹ thuật thật tốt mới làm được. Tuy vậy, ông cho rằng TP cũng nên tính toán kỹ, nên chăng kéo giãn các khu trung tâm thương mại ra các khu vệ tinh khác, tránh tập trung một chỗ để kích thích phát triển, giảm áp lực, giải quyết được bài toán sụt lún ở vùng trung tâm. “Ở những nước phát triển, các khu trung tâm thương mại ngầm và trên mặt đất thường kết nối với nhau và mang tính tập trung cao. Đó là do trình độ quản lý của họ rất tốt nên dễ dàng, còn Việt Nam thì còn kém nên rất khó” - ông Bá nhấn mạnh.
Tính kỹ bài toán chống ngập
Về vấn đề chống ngập cho khu phố ngầm, GS-TSKH Lê Huy Bá cho rằng đây là một bài toán mà TP cần tính kỹ. Hiện nay, công tác chống ngập trên mặt đất còn gặp khó khăn thì việc chống ngập ở các công trình ngầm càng phức tạp hơn nhiều. Do đó, phải có hệ thống ngăn nước cao hơn mặt đất ít nhất 1 m, có đường hút nước, che chắn cẩn thận, máy bơm hỗ trợ khi cần thiết. “Với kinh nghiệm của Nhật Bản, vấn đề chống ngập cho công trình này sẽ thực hiện được” - ông Bá nhận định.
TS Phạm Sanh cho rằng TP cũng nên học các nước trên thế giới là nếu có điều kiện thì xây dựng ở các khu đô thị mới để tạo đa dạng, kích thích phát triển chung. Tuy nhiên, phải chú ý đến các yếu tố an toàn như cháy, nổ, vệ sinh môi trường…
Bình luận (0)