Cụ thể, dự án này sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định; 7 km đê/kè ven sông từ Vàm Thuật đến Sông Kinh; 68 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối, thuộc địa bàn các quận - huyện: 1, 4, 7, 8, Nhà Bè và Bình Chánh. Thời gian thực hiện từ năm 2015-2018.
Dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), TP HCM sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư bằng quỹ đất (có thể sạch hoặc chưa bồi thường). Trong trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn giá trị hợp đồng dự án BT, TP sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền phần còn lại.
Theo UBND TP HCM, dự án này khi hoàn thành sẽ giúp kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu trên diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.
TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - cho rằng những năm qua, các dự án chống ngập chỉ được tập trung đầu tư ở khu vực trung tâm TP HCM và đã có những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng ngập sẽ phát sinh ra khu vực ngoại thành với mức độ trầm trọng hơn do quá trình phát triển đô thị.
Đánh giá về dự án trên, TS Phạm Sanh nhấn mạnh trong giai đoạn 1, dự án chỉ tập trung ở “phía tay phải sông Sài Gòn” nên những năm tới, tình trạng ngập sẽ có nguy cơ dồn về khu vực các quận 2, 9 và Thủ Đức. Trong khi đó, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng ở TP đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế.
“Do đó, cần phải xem xét lại tính khả thi và đồng bộ của tất cả dự án chống ngập. Nếu không làm được như vậy thì có “đổ” hết 10.000 tỉ đồng vào, TP vẫn cứ ngập” - TS Phạm Sanh nhấn mạnh.
Bình luận (0)