Nếu nước biển dâng nhanh chóng như hiện nay, chỉ trong 5-10 năm nữa, đỉnh triều tại TP có thể đạt đến 2 m. Với mực nước này, khoảng 20% diện tích của TP sẽ bị ngập trong nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), TP HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể đối với công tác này. Hiện nay, TP đang xây dựng 2 nhà máy xử lý rác với công suất 2.000 tấn/ngày theo công nghệ Nhật Bản. UBND TP cũng vừa chấp thuận cho huyện Cần Giờ lập dự án nâng cấp tuyến đê biển dài hơn 12 km để bảo vệ dân cư và phòng chống nước dâng do bão và triều cường.
Mưa đá xuất hiện tại TP HCM vào ngày 13-6 Ảnh: Gia Minh
Với sự hỗ trợ về kinh phí và khoa học kỹ thuật của TP Rotterdam - Hà Lan, TP HCM đã chọn quận 4 để thí điểm các hoạt động trong chiến lược thích ứng với BĐKH. Trước mắt, các nhà khoa học sẽ xây dựng “kịch bản” về những tình huống xấu nhất do BĐKH gây ra tại quận 4 và có các giải pháp cụ thể để ứng phó, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.
PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và BĐKH thuộc ĐHQG TP HCM, nhấn mạnh: “Diễn biến bất lợi của BĐKH hiện nay cho thấy các giải pháp cứng của chúng ta đã đạt đến giới hạn của nó. Nếu không có những giải pháp mềm và triển khai một cách cấp bách thì tình trạng thời tiết cực đoan và ngập lụt sẽ càng nặng hơn”.
Theo PGS-TS Phi, ngoài những giải pháp như xây dựng hồ điều tiết, gia cố bờ bao và xây dựng các công trình chống ngập, TP HCM cần thích ứng BĐKH với chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn. Một trong những giải pháp cơ bản là phải quy hoạch phát triển đô thị một cách khoa học, hạn chế phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư ở những vùng trũng, thấp ở phía Tây và Nam TP. “Trước mắt, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, nhất là người dân ở những vùng trũng, thấp sẵn sàng các phương án để đối phó và giảm thiểu thiệt hại do ngập nước, triều cường” - ông Phi nói.
Bình luận (0)