Sở Nội vụ TP HCM vừa trình UBND TP về tình hình sử dụng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập...
Luôn vượt quy định của Bộ Nội vụ
Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm, từ năm 2004-2015, UBND TP đã phân bổ biên chế hành chính nhiều hơn so với biên chế hành chính mà Bộ Nội vụ giao. Năm 2004, UBND TP giao 7.470 biên chế so với Bộ Nội vụ giao là 5.741 biên chế, vượt 1.729 biên chế. Lý do tăng là tại thời điểm năm 2004, TP đã thành lập các quận Bình Tân, Tân Phú; huyện Bình Chánh... theo Nghị định 130 năm 2003 của Chính phủ; thành lập Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Tây Bắc. Năm 2005, TP vượt biên chế từ 6.266 người mà Bộ Nội vụ giao lên 8.144 người vì chuyển 339 người lao động theo Nghị định 68 năm 2000 của Chính phủ và thành lập nhiều đơn vị khác. Từ năm 2006-2014, TP tiếp tục vượt chỉ tiêu biên chế hành chính để đáp ứng yêu cầu phát triển: 12.994 biên chế so với Bộ Nội vụ giao 8.450 biên chế, vượt 4.544 biên chế. Trong giai đoạn này, TP phải thành lập nhiều đơn vị hành chính như Thanh tra Sở Xây dựng; tổ chức lại Thanh tra Sở Giao thông Công chính và thành lập thêm các phòng chuyên môn nghiệp vụ y tế tại 24 quận, huyện.
Sở Nội vụ cho biết hằng năm, TP đều có báo cáo, giải trình số biên chế chênh lệch và kiến nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh tăng theo số biên chế đang sử dụng nhưng không được chấp thuận. Năm 2015, Bộ Nội vụ vẫn giao số biên chế hành chính là 8.313 người so với biên chế UBND TP trình HĐND TP phê duyệt là 13.049 người.
Đáp ứng nhu cầu phát triển
Lý giải cho việc tăng biên chế hằng năm so với Bộ Nội vụ giao, ông Trương Văn Lắm cho biết TP HCM có tốc độ phát triển đô thị nhanh với quy mô lớn, đòi hỏi phải có bộ máy, nhân sự thực hiện nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước theo yêu cầu. Vì vậy, cần đủ biên chế giao cho các cơ quan, tổ chức hành chính, đồng thời có biên chế để kịp thời giao cho các cơ quan mới thành lập hoặc tăng chức năng, nhiệm vụ. Nếu thực hiện theo số biên chế mà Bộ Nội vụ giao năm 2015 là 8.313 người thì sẽ giảm 4.736 biên chế, đồng nghĩa giảm 4.736 người. Như vậy, không bảo đảm đáp ứng yêu cầu công việc. Mặt khác, TP HCM có nhu cầu rất lớn biên chế ở lĩnh vực giáo dục khi số lượng trường học các cấp trên địa bàn tăng nhanh, nhất là đang thực hiện nhận giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi, đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân. Theo ước tính của 24 quận - huyện, TP cần khoảng 3.500 nhân viên nuôi dưỡng ở các trường mầm non. Chính phủ không tăng biên chế và số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nên TP gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện, không có biên chế giao cho đơn vị. Mặt khác, TP cũng đang có nhiều trường học và bệnh viện thành lập mới.
“Với tính chất đặc thù đó, cũng như để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước tại địa phương; yêu cầu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP; tính phức tạp trong công tác quản lý điều hành, áp lực di dân cơ học, Sở Nội vụ đề xuất UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng chỉ tiêu biên chế hành chính năm 2015 là 13.049 người” - ông Lắm nói.
Theo ông Lắm, cuối năm 2014, UBND TP đã trình Bộ Nội vụ thẩm định Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của TP là 13.292 biên chế; trong đó, khối sở - ngành là 7.080 và quận - huyện là 6.212. Tính đến ngày 30-6-2015, số lượng công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính là 11.715 người; trong đó, khối sở - ngành là 6.990 và quận - huyện là 5.725. Theo đánh giá của Sở Nội vụ, đa số các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc việc quản lý biên chế.
“Lạm phát” cấp phó
Sở Nội vụ TP HCM cho biết tính đến ngày 1-7-2015, số lượng công chức, viên chức giữ chức vụ phó giám đốc sở và tương đương trong các cơ quan, đơn vị và giữ chức vụ phó trưởng phòng - ban chuyên môn các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn là 1.533 người. Khối sở, ngành có 803 cấp phó thuộc 46 đơn vị. Trong đó, phó giám đốc và tương đương là 153 người; cấp phó trưởng phòng và tương đương là 650 người. 6 đơn vị có cấp phó giám đốc nhiều hơn quy định là Văn phòng UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương.
Theo quy định, số lượng phó giám đốc sở thuộc UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM là không quá 4 người, các địa phương khác là không quá 3 người. Ở cấp phó trưởng phòng và tương đương, có 22 phòng ở 10 đơn vị có 4 phó trưởng phòng trở lên. Ở khối quận - huyện, có 730 cấp phó. Trong đó, phó chủ tịch là 73 người (có 9 đơn vị nhiều hơn so với quy định); phó trưởng phòng và tương đương là 657 người.
Bình luận (0)