Gần 30 phút sau, mặt biển đột nhiên ửng hồng. “Vợt!” - thuyền trưởng Hoan hô to. Ngỡ đã gặp cá ngừ đại dương, chúng tôi hồi hộp dõi theo. Một đàn mực ống ngoi đầy mặt nước, 2 ngư dân trẻ Trần Văn Tuấn và Nguyễn Thành Đại nhanh như cắt xỉa vợt xuống biển vớt lên. Những ngư dân còn lại nhanh chóng móc mực vừa được vớt lên làm mồi câu, thả ngay xuống chỗ đàn mực vừa tản ra.
Ảnh: HỒNG ÁNH
Không quen với ánh sáng và độ nóng của dàn đèn cao áp, chúng tôi đành loạng choạng lui về phía sau, sát ca bin tàu. Thế nhưng, trên mạn tàu, 9 ngư dân cùng thuyền trưởng Hoan vẫn giữ chắc tay câu chờ cá ngừ. Mỗi người chỉ mặc độc một chiếc quần đùi. Gió nồm thổi mạnh, chiếc tàu 160 mã lực chao qua nghiêng lại nhưng mồ hôi vẫn tuôn ướt đẫm từ đầu đến chân các ngư dân.
Bỗng… “ầm”, một tiếng quật mạnh trên mặt biển. “Dính rồi!” - từ mạn phải tàu, ngư dân Bùi Anh Tuấn reo lên. Ba ngư dân ngồi gần vội găm cần câu, nhào đến hỗ trợ Tuấn đưa cá lên. Một người phụ Tuấn giữ cần câu dìu cá vào. Hai ngư dân còn lại cầm sẵn móc sắt được nối với một cán dài, chuẩn bị móc vào mang cá kéo lên tàu. Bị dính câu, con cá vùng vẫy điên cuồng. Những cánh tay ngư dân săn chắc mướt mồ hôi, dưới ánh sáng đèn cao áp cứ cuồn cuộn, bóng loáng như các lực sĩ biểu diễn trên sân khấu.
Loay hoay gần 20 phút, rốt cuộc con cá ngừ nặng khoảng 70 kg cũng được đưa lên tàu. Các ngư dân lại vào vị trí câu của mình chờ đợi dưới sức nóng như thiêu đốt của dàn đèn cao áp. Thỉnh thoảng, họ phải đi vội vào bên trong ca bin để uống nước bù cho lượng mồ hôi liên tục tuôn chảy. Sau khoảng 4 giờ, tàu câu được 5 con cá ngừ đại dương nhưng ngư dân nào cũng đã thấm mệt, phờ phạc.
Bán đổ bán tháo
Tàu cá của ông Phạm Công Hoan là 1 trong 4 tàu câu đèn còn lại ở phường Phú Đông. Chỉ mới đầu năm nay, phường này còn đến hơn 50 tàu câu cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, vào tháng 8-2012, trong số hơn 15.000 tàu câu cá ngừ đại dương của cả nước, hơn 50% hành nghề câu đèn. Đây là thời điểm nở rộ của nghề câu đèn. Tuy nhiên, hiện nay, số tàu câu đèn đã giảm mạnh do cá kém chất lượng nên rớt giá liên tục, ngư dân ra khơi là thua lỗ.
Không chỉ Phú Yên, ngư dân nhiều địa phương khác cũng đã “ngấm đòn” vì chuyển sang câu cá ngừ bằng đèn cao áp. Hình ảnh quen thuộc gần đây ở cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang - Khánh Hòa là hàng chục tàu câu cá ngừ đại dương của nhiều địa phương nằm chờ bán cá. “Giá ngày càng giảm, chúng tôi phải tranh nhau bán đổ bán tháo. Năm 2012, cá ngừ đại dương còn giữ được giá 150.000-170.000 đồng/kg nhưng hiện chỉ còn 45.000-50.000 đồng/kg” - ông Nguyễn Sĩ, một chủ tàu ở Bình Định, lo lắng.
Ông Mai Thành Phúc, đội trưởng đội 4 tàu cá xa bờ tỉnh Khánh Hòa, cho rằng trước đây, ngư dân chuyển sang câu đèn vì sản lượng tăng vọt so với câu lưới. “Năm 2011, đội chúng tôi cũng chuyển từ câu vàng truyền thống sang câu đèn, cá bắt được rất nhiều, mỗi chuyến biển trung bình trên 3 tấn. Nhưng với giá cả thế này, chúng tôi đang tính quay lại nghề truyền thống” - ông Phúc trăn trở.
Theo ông Đỗ Trung Hiệp, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, nhiều doanh nghiệp và đầu nậu cho rằng chất lượng cá ngừ đại dương câu đèn không bảo đảm nên họ luôn mua với giá thấp. Đã vậy, sản lượng cá tăng mạnh khiến các đầu nậu và doanh nghiệp không đủ vốn để thu mua. “Chỉ những tàu quen, họ mới thu mua với giá 50.000 đồng/kg trả tiền sau 2 tuần, 55.000 đồng/kg trả tiền sau 1 tháng. Một tàu cá xa bờ tổn phí một chuyến biển thường trên 100 triệu đồng, giá cá như thế thì luôn thua lỗ” - ông Hiệp băn khoăn.
Tàn phá nguồn lợi thủy sản
Theo Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, sản lượng cá ngừ đại dương tăng đột biến do câu đèn đồng nghĩa nguồn lợi thủy sản cũng bị tàn phá, suy giảm. Ông Vũ Đình Đáp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 - Bộ NN-PTNT, cho biết tuy chưa có nghiên cứu nào về kỹ thuật câu đèn ảnh hưởng gì đến chất lượng cá nhưng việc thắp đèn rồi câu tay trực tiếp khiến cá bị sốc, tiết ra nhiều kháng chất nên thịt không còn tốt. Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Tổng cục Thủy sản, sở dĩ cá ngừ câu đèn chất lượng kém bởi thời gian câu ngắn, cá đánh bắt được luôn bị sốc dẫn đến phá hủy cơ thịt; kỹ thuật giết và bảo quản cá của nhiều tàu còn hạn chế, chưa tuân thủ quy trình chuẩn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Do, Phó Phòng Cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá Cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết đang phối hợp với Phân viện Công nghệ khai thác thủy sản của Trường ĐH Nha Trang triển khai dự án điều tra đánh giá chất lượng cá ngừ đại dương câu đèn để có kết luận chính thức về việc này. |
Bắt chước tàu cá Trung Quốc Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nghề câu đèn du nhập Việt Nam do một số ngư dân bắt chước từ Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam khi ra khơi đánh bắt, thấy các tàu cá Trung Quốc câu được nhiều nên đã về làm thử. Ban đầu từ Bình Định, sau đó kiểu đánh bắt này lan sang các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa... “Tàu Trung Quốc câu đèn nhưng thiết bị hiện đại hơn. Trên tàu họ có cả cần cẩu để thu cá, hạn chế cá vùng vẫy. Hầm cá của họ âm 600C nên bảo quản tốt hơn. Trong khi đó, tàu của mình vừa đánh bắt thủ công lại đi bắt chước” - ông Lăng lo ngại. Ông Lăng cho rằng lẽ ra, Bộ NN-PTNT phải khuyến cáo sớm về những bất cập của cách câu đèn để ngư dân không bị thua lỗ và ảnh hưởng thương hiệu cá ngừ Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, bộ này vẫn chưa có ý kiến gì về nghề câu đèn.
Giá cá ngừ đại dương thu mua tại cảng Hòn Rớ - Khánh Hòa hiện chỉ còn 45.000-50.000 đồng/kg. Ảnh: KỲ NAM |
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!