Qua 10 năm hoạt động, Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ (HHN) thực sự trở thành gia đình thứ hai của hàng trăm trẻ em nghèo bất hạnh - những tuổi thơ bị đánh mất, những số phận bị lãng quên” - cô Nguyễn Kim Thiện, phụ trách Mái ấm HHN, Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM, cho biết như vậy.
Những mảnh đời bất hạnh
Cô bé mới vào mái ấm đúng một tuần, khoảng 14, 15 tuổi, có gương mặt xương xương và ánh mắt rụt rè kể với tôi: “Em không biết mình mấy tuổi, tên gì, cũng không biết cha mẹ mình là ai, chỉ nghe người ta hay gọi mình là Bé. Lúc 5, 6 tuổi em phụ bưng phở cho cô Lan ở Quy Nhơn. Rồi cô Lan không bán nữa, bỏ đi đâu không rõ nên mang em cho một người chủ quán khác. Thường xuyên bị chửi mắng, đánh đập, chịu không nổi em bỏ trốn. Trôi giạt lên Gia Lai, rồi theo một người phụ nữ buôn bán ra làm thuê tận ngoài Huế, cuối cùng là nhảy tàu vào Sài Gòn”. Rồi em cười, khoe: “Giờ thì em đã có tên. Cô Tuyết, nhân viên bảo vệ mái ấm, đặt cho em tên Tân với mong muốn em sẽ bắt đầu một cuộc đời mới”.
May mắn hơn Tân là V., quê ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ba của V. trước là giáo viên, sau nghỉ dạy, chuyển qua làm bốc vác. Mẹ chê ba nghèo nên bỏ đi từ lúc em mới hơn 10 tháng tuổi. Từ nhỏ, V. sống trong sự đùm bọc yêu thương của nội. Không chấp nhận sự có mặt của bà mẹ kế, ba và nội thường xuyên bất hòa, căn nhà được ngăn hai nên “V. muốn đi khỏi căn nhà ngột ngạt ấy”. Các cô phụ trách cho biết, các em đều có hoàn cảnh đặc biệt, đa phần bị lạm dụng tình dục và có nguy cơ bị lạm dụng tình dục, một số là đối tượng mại dâm và trẻ bị ngược đãi. Mỗi em một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là những đứa trẻ kém may mắn, bất hạnh.
Gia đình thứ hai
Bắt đầu hoạt động từ năm 1992, đến nay, Mái ấm HHN là một trong hơn 60 dự án mà Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM đã và đang thực hiện. Qua 10 năm, mái ấm đã chăm sóc giáo dục cho hơn 400 trẻ gái có hoàn cảnh cơ nhỡ, bất hạnh; trong đó 380 em đã được đoàn tụ với gia đình. Tất cả các em đều được học chữ, học nghề. Trong số 25 em có mặt ở mái ấm hiện nay, có 6 em đang học cấp I, số còn lại đang theo học cấp II và cấp III. Ngoài việc tổ chức cho các em nhận gia công làm xâu chuỗi, làm móc khóa, hoa vải, búp bê tại nhà, Mái ấm HHN còn liên hệ với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, hỗ trợ các em học nghề may, thêu, điêu khắc... Cô Nguyễn Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM, cho biết mái ấm còn tổ chức mô hình “Trẻ giúp trẻ” với 4 đội (mỗi đội 4 thành viên) đang hoạt động hiệu quả. Các thành viên của “Trẻ giúp trẻ” (cũng là trẻ em ở mái ấm nhưng biết phấn đấu, vượt khó và tích cực trong học tập) được tập huấn kỹ năng sinh hoạt tập thể với trẻ cộng đồng, tham gia các chương trình giao lưu và công tác xã hội. Qua đó, chính các thành viên này trở thành chiếc cầu nối giúp các em ở mái ấm chuyển biến thái độ, nhận thức và hòa nhập tốt hơn. Mái ấm hiện có 5 giáo viên phụ trách. Cô Nguyễn Ngọc Dung cho biết, tiếp xúc với các em không khó nhưng để các em tin tưởng và chịu nghe mình thì không dễ! Bởi lẽ, với một tâm hồn bị tổn thương, các em dường như không còn niềm tin và luôn mang trong mình tâm trạng đối phó. Bằng tấm lòng của người mẹ, các cô đã mang lại cho các em niềm tin, tình yêu và ước mơ về một cuộc sống bình thường.
Luôn cần sự quan tâm và ủng hộ
Từ nay đến cuối năm 2002, Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM sẽ triển khai dự án hỗ trợ trẻ em bị bán sang Campuchia. Dự án này thực hiện với sự hợp tác của các tỉnh ÐBSCL như Cần Thơ, An Giang. Nhiều địa phương trong cả nước cũng đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm của HHN. Có được những kết quả như hôm nay, đó là nhờ sự hỗ trợ của nhiều ban ngành, đoàn thể xã hội, nhưng trên hết là tấm lòng của những người mẹ thứ hai. Ðó là các cô Kim Thiện, Ðoan Thanh, Bích Phụng, cô Nguyễn Thị Dung, cô Chương Thị Diệu... hàng ngày cận kề xoa dịu những nỗi đau, giành lại cho các em những tháng ngày tuổi thơ đẹp nhất dẫu còn nhiều khó khăn, chật vật.
Ðang ngồi nói chuyện, V. bỗng kéo tay tôi ra ngoài: “Con đã nhận Tân làm em kết nghĩa”. Tôi hỏi V. có muốn ở hẳn đây không, em trả lời: “Con sẽ về với nội, với ba nhưng con phải học thêu thật giỏi rồi mới về. Có nghề mới đi làm nuôi nội, nuôi ba được”!
Bình luận (0)