Ngày 16-11, kỳ họp Quốc hội (QH) thứ 10 bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Giải thích chưa thuyết phục về môn lịch sử
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử QH Việt Nam, toàn bộ thành viên Chính phủ sẽ trả lời trực tiếp tất cả những vấn đề mà đại biểu (ĐB) QH đặt ra có liên quan đến trách nhiệm của ngành, lĩnh vực mình phụ trách kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII (năm 2011) đến năm 2015.
Mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015. Theo đó, ở lĩnh vực nội vụ, Chính phủ đã quản lý chặt chẽ biên chế công chức. Tuy vậy, bộ máy vẫn cồng kềnh, tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn.
Nội dung “nóng” nhất được nhiều ĐBQH hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận là đề xuất của bộ này về việc tích hợp môn lịch sử.
ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam), người từng là giáo viên hơn 10 năm, thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết dư luận xã hội rất xôn xao về việc môn lịch sử từ một môn học độc lập có nguy cơ thành môn học tích hợp. Theo ĐB Lai, sai lầm về phương pháp sẽ dẫn đến sai lệch về kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ và “sẽ không có chỗ cho sự khắc phục hoặc rút kinh nghiệm”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không trả lời trực tiếp câu hỏi mà giải thích rằng môn lịch sử không bị coi nhẹ, hiện học sinh THPT đang học lịch sử 1,5 tiết/tuần; còn theo dự thảo thiết kế chương trình thì nếu học sinh không học chuyên thì 2,5 tiết/tuần (tăng 1 tiết so hiện nay), nếu học phân ban khoa học xã hội thì học 4 tiết/tuần, tất cả đều bắt buộc. “Như vậy, nội dung và khối lượng, kiến thức lịch sử đều tăng lên” - Bộ trưởng Luận phân trần. Về việc tích hợp môn lịch sử vào môn công dân với Tổ quốc, ông Luận cho biết Luật Quốc phòng an ninh quy định giảng dạy lịch sử giữ nước và lịch sử quốc phòng. “Vì vậy, anh em mới dự kiến đưa vào để tránh trùng lắp” - ông Luận lý giải.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ngoài nội dung lịch sử được dạy trong chương trình môn công dân với Tổ quốc, những môn học khác cũng có dự kiến giảng dạy lịch sử. Ví dụ dạy văn học, địa lý, âm nhạc cũng sẽ gắn kết để hỗ trợ môn lịch sử. Chốt lại phần trả lời, Bộ trưởng cho biết dự thảo đang lấy ý kiến và không hề có ý giảm môn lịch sử, ban soạn thảo lắng nghe ý kiến toàn dân và chuyên gia, trên cơ sở đó sẽ thảo luận và Bộ GD-ĐT dự kiến làm việc với Ban Tuyên giáo trung ương, Hội đồng Lý luận trung ương, các ủy ban của QH vì đây là vấn đề rất hệ trọng.
Không thỏa mãn, ĐB Lê Văn Lai tiếp tục bấm nút và gay gắt: “Hiện có giáo viên chuyên ngành lịch sử dạy mà còn hạn chế như vậy, thậm chí “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, giờ tích hợp nữa thì rất khó đạt hiệu quả”.
Lúc này, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, người chủ trì phiên chất vấn, “kết”: “Một số phần trao đổi lại của ĐBQH, các bộ trưởng không cần phải trả lời thêm”.
“Một lần nữa, xin nhận khuyết điểm...”
Trong phiên chất vấn chiều cùng ngày, các ĐBQH tập trung vào hàng loạt vấn đề nóng như quản lý thị trường (QLTT), phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ…
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng trong lĩnh vực QLTT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng “kém từ đầu nhiệm kỳ đến nay”. “Cử tri rất bức xúc, bộ trưởng lúc nào cũng nói “quyết liệt, quyết liệt” nhưng mọi việc vẫn như cũ. Tôi đi tiếp xúc nghe cử tri nói mãi về việc phân bón giả, thuốc trừ sâu giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan thế mà vẫn chưa khắc phục được. Trách nhiệm này thuộc về ai? Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?” - ĐB Thuyền gay gắt.
Trả lời, ông Vũ Huy Hoàng thừa nhận cá nhân cũng như ngành chưa làm được nhiều dù đã cố gắng. “Một lần nữa, chúng tôi xin nhận khuyết điểm trước QH” - người đứng đầu ngành công thương nói và cho biết bằng rất nhiều biện pháp, lực lượng QLTT đã cố gắng nhưng tình hình tiến triển rất chậm vì 4 nguyên nhân: tỉ suất lợi nhuận từ gian lận thương mại cao; đường biên giới dài, khó kiểm soát; một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý thích hàng ngoại, dù có thể kém chất lượng; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Về giải pháp khắc phục, bộ trưởng cho biết cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm, năng lực của lực lượng 6.000 cán bộ, công nhân viên QLTT. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng đề án nâng cấp Cục QLTT thành Tổng cục QLTT với mô hình quản lý ngành dọc để tăng sự thống nhất. Đề án này được Chính phủ ghi nhận và chuyển sang nhiệm kỳ sau để QH xem xét. Ông Hoàng cũng cam kết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ vi phạm nếu nhận được phản ánh.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH - ông Thân Đức Nam (ĐBQH Đà Nẵng) - lo lắng doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ đóng cửa do thiếu chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. “Tại sao yêu cầu nội địa hóa sản xuất ô tô đặt ra đã 20 năm nhưng đến nay Chính phủ mới ban hành nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ? Trách nhiệm của Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ như thế nào, tại sao để chậm như vậy?”.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhiều năm qua, Chính phủ khá quan tâm đến mảng hoạt động này nhằm tăng khả năng chế tạo trong nước, hạn chế nhập siêu. Về cơ chế chính sách thì đã ban hành một số văn bản quy hoạch công nghiệp hỗ trợ; về triển khai thực hiện, đã làm được một số việc nhằm nâng giá trị gia tăng sản xuất trong nước, như: nâng tỉ trọng giá trị sản xuất trong nước ở lĩnh vực dệt may từ 10%-20% lên khoảng 50%, da giày từ 20% lên 60%. Trong lĩnh vực công nghệ ô tô, với ô tô con dưới 9 chỗ ngồi, tỉ lệ nội địa hóa còn thấp nhưng với xe chở khách, xe tải 5 tấn trở xuống đã đạt tỉ lệ đến 40%, thậm chí 85%. “Điều đó chứng tỏ chúng ta từng bước phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ còn tồn tại lớn, thời gian tới cần cố gắng hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu vươn lên xứng đáng với quy mô và vị thế kinh tế của đất nước” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận.
Băn khoăn với rừng trồng bù
Trả lời chất vấn của các ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), Trương Văn Vở (Đồng Nai) về trồng bù diện tích rừng thay thế tại các dự án công trình thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và thời gian qua hai bộ đã phối hợp chặt chẽ. Năm 2015, các cơ quan chức năng đã làm được khá nhiều việc, trong đó có vai trò rất tích cực của các địa phương và sự cố gắng từ các chủ đầu tư dự án, công trình thủy điện. Do đó, năm 2015 khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch trồng bù rừng thay thế của các công trình thủy điện đã được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đề ra. Năm 2016, đối với diện tích rừng mà các công trình thủy điện đã lấy để phát triển, sẽ hoàn thành kế hoạch trồng bù rừng thay thế.
Về sự chênh lệch trong thống kê diện tích trồng bù rừng thay thế của công trình thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích có thể trong thời điểm thống kê giữa Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT có khác nhau. Mặt khác, có thể do một số công trình kết hợp giữa thủy lợi và thủy điện nhưng thủy lợi là chính, thủy điện chỉ hỗ trợ. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm và bảo đảm thống nhất các con số trong báo cáo về diện tích trồng rừng thay thế để phù hợp, đúng với thực thế.
Trong ngày, QH cũng đã nghe Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015; Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Hôm nay, QH tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn.
Tích hợp là xóa cả đạo luật
Tôi cảm thông với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vì lĩnh vực ông phụ trách gắn với những vấn đề dân sinh, bức xúc. Nhưng cũng chính vì thế, tôi luôn lưu ý bộ trưởng cần rất thận trọng trong làm chính sách. Bộ trưởng đã quá tự tin khi nói tích hợp 3 môn lịch sử, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng an ninh chứ không phải là bỏ. Không thể làm như vậy bởi Luật Giáo dục quốc phòng an ninh vừa thông qua đã khẳng định có môn giáo dục quốc phòng - an ninh. Tích hợp là xóa sổ 1 đạo luật. Đây không phải là quyền hạn của một bộ và không phải tư duy của hành pháp. Một bộ môn truyền thống đã không vực dậy mà lại đòi thay thế bằng môn chưa biết nó là cái gì?
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
“Lửng lơ” trách nhiệm
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Bộ trưởng Bộ Công Thương trong trả lời chất vấn về diện tích trồng rừng thay thế dự án thủy điện xác định chưa rõ trách nhiệm, vậy thì việc xác định giải quyết các vấn đề tiếp theo càng khó khiến cử tri càng bức xúc. Phải xác định diện tích trồng rừng để làm dự án thủy điện là bao nhiêu? Khả năng bố trí trồng rừng thay thế hoặc thu tiền để thay thế diện tích rừng bị mất là bao nhiêu? Phải cụ thể từng việc ra. Phải nói rõ trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương đến đâu, giải pháp tiếp theo ra sao? Trả lời như thế thì tôi không biết phải trả lời thế nào với cử tri.
ĐB Trương Văn Vở - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Nai
Đừng bảo thủ sẽ ít sai sót
Nhiều vấn đề được đề nghị qua nhiều kỳ họp vẫn chưa chuyển biến, như ở các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục... Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục cần thận trọng mới có quyết sách đúng đắn. Tôi tin là nếu lắng nghe, đừng bảo thủ thì chúng ta sẽ ít sai sót.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM)
Sa đà vào đánh giá kết quả
Trong ngày chất vấn đầu tiên, một số ĐB phát biểu như kiểu đánh giá lại phần thảo luận kinh tế - xã hội làm mất ý nghĩa chất vấn. Chất vấn là quy trách nhiệm người đứng đầu, những người do QH bầu và phê chuẩn chứ không phải là đánh giá lại tình hình, nói lại báo cáo của Chính phủ. Người trả lời cũng phải trả lời theo tinh thần ấy, đó là có hay không việc các vị ĐBQH chất vấn? Đến nay, sau 5 năm thực hiện, bộ trưởng đã thực hiện lời hứa thế nào. Tôi có cảm giác chất vấn còn dàn trải, sa vào đánh giá lại toàn bộ hoạt động của bộ mình, ngành mình trong thời gian dài.
ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
Một số mặt vẫn trì trệ
Tôi thấy có cái gì đó chưa thật sự rõ việc các vị bộ trưởng nhận trách nhiệm của mình suốt nhiệm kỳ. Nhiều việc ĐBQH, cử tri quan tâm nhưng chưa giải quyết đến tận gốc rễ, chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Các bộ trưởng, với tư cách “tư lệnh” ngành, phải làm cho ngành mình phụ trách ngày càng phát triển, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Nếu kiểm điểm lại, thấy rõ rằng tình hình đất nước phát triển nhưng một số mặt vẫn còn trì trệ thì cử tri không thật sự yên tâm.
ĐB Nguyễn Tấn Tuân - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa
Bảo Trân ghi
Bình luận (0)