Trước đó, truyền thông Đài Loan cũng đã 2 lần đưa thông tin cùng nội dung trên nhưng hoàn toàn sai sự thật.
Điêu đứng vì tin đồn
Năm 2004, truyền thông Đài Loan tung tin trà Việt Nam bị nhiễm dioxin khiến ngành trà trong nước lao đao. Ngay sau đó, sau khi kiểm tra, Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) khẳng định thông tin này là bịa đặt. Sau khi bị VITAS phản ứng, báo chí Đài Loan phải thông tin lại là trà Việt Nam không nhiễm dioxin.
Đến cuối năm 2014, truyền thông Đài Loan lại tung tin thất thiệt về chất lượng của trà Việt Nam mà cụ thể là trà Lâm Đồng nhiễm dioxin. Ngay sau đó, hàng trăm doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trà tại Lâm Đồng - nơi có diện tích trà lớn nhất nước, trong đó có khoảng 30 doanh nghiệp Đài Loan - bị điêu đứng vì sản lượng xuất khẩu giảm tới 50%. Từ giữa tháng 9 đến 11-2014, khoảng 70 container chè Oolong trị giá hơn 140 tỉ đồng của các doanh nghiệp ở Lâm Đồng bị ách tại các cảng của Đài Loan, gây thiệt hại lớn. Khi đó, ông Đoàn Trọng Phương, Phó Chủ tịch VITAS, phản đối truyền thông Đài Loan gây thiệt hại không chỉ cho hơn 23.000 ha trà của Lâm Đồng mà còn ảnh hưởng xấu đến ngành trà Việt Nam. Để minh oan cho sản phẩm trà địa phương, sau khi thu thập chứng cứ, tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định vùng chè này không nằm trong khu vực bị nhiễm dioxin. Tỉnh đồng thời có công thư gửi đến Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại TP HCM yêu cầu công bố nội dung này đến các cơ quan truyền thông của họ.
Vụ này chưa nguôi ngoai thì cuối tháng 4-2015, cơ quan thẩm quyền Đài Loan lại vô cớ công bố 22 lô hàng trà đen của Việt Nam xuất khẩu sang đây có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép và 7 lô trà đen của Việt Nam nhiễm dioxin.
Nhằm hạ uy tín trà Việt
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết không loại trừ đây lại là chiêu trò của truyền thông và doanh nghiệp Đài Loan nhằm hạ uy tín trà Việt. Ông Minh cho rằng trà Lâm Đồng đã xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ… Trước khi nhập, các quốc gia này đều kiểm mẫu đất và mẫu trà. Vì vậy, không thể có chuyện trà Lâm Đồng bị nhiễm dioxin.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trà ở Lâm Đồng, báo chí Đài Loan tung tin sai sự thật có thể từ việc cạnh tranh không lành mạnh từ các doanh nghiệp trà của họ bởi giá trà Oolong nhập khẩu từ Việt Nam hiện chỉ bằng 1/4 so với sản phẩm cùng loại sản xuất tại Đài Loan. Đại diện Doanh nghiệp chế biến, Xuất khẩu trà Phương Nam (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), cho rằng “Do giá thành cao, trà sản xuất tại Đài Loan không thể cạnh tranh với trà nhập khẩu nên họ phải tìm cách hạn chế nhập”.
Theo Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan, trà Việt Nam chiếm 70% lượng nhập khẩu trà của họ.
Còn theo Công ty CP Trà Lâm Đồng (Ladotea), dù ngành trà địa phương chưa bị ảnh hưởng nhiều sau khi có thông tin thất thiệt từ Đài Loan nhưng nếu tình trạng này không sớm được giải quyết thì rất có thể trong thời gian tới, ngành trà sẽ gặp nhiều khó khăn và tình trạng trà tồn đọng trong xuất khẩu có thể tái diễn như hồi cuối năm 2014.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch VITAS, hiệp hội đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để khẩn trương điều tra thông tin do phía Đài Loan cung cấp. “Chúng ta cần cẩn trọng trước “bẫy truyền thông” của đối tác nhằm gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của trà Việt Nam” - bà Hồng nói.
Từng bị cạnh tranh không lành mạnh
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa giao Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật thành lập tổ công tác đặc biệt để điều tra vụ cơ quan thẩm quyền Đài Loan cảnh báo trà đen của Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, nhiễm dioxin. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu tổ công tác báo cáo kết quả điều tra cho bộ trước ngày 30-6.
Chiều 22-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Nafiqad, cho biết tổ điều tra đặc biệt vừa được thành lập, gồm cán bộ chuyên môn của Nafiqad và Cục Bảo vệ thực vật và ông được cử làm tổ trưởng. Theo ông, tổ công tác đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu trà đen sang Đài Loan trong diện bị cảnh báo phải có báo cáo về quy trình sản xuất, kiểm nghiệm cũng như về chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp có sản phẩm trà đen bị Đài Loan cảnh báo có cả ở phía Bắc và phía Nam. Tuy nhiên, đây mới là thông tin từ Đài Loan. “Vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa rõ thực hư. Bước đầu, nhiều doanh nghiệp đã cung cấp giấy kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu sang Đài Loan và khẳng định trà đen của họ bảo đảm chất lượng. Khi có kết quả chính thức, chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông” - ông Hào khẳng định.
Ông Hào thuật lại: “Cuối năm 2014, một số trang mạng của Đài Loan cũng tung tin trà của Việt Nam nhiễm dioxin. Khi chúng tôi làm việc với Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, họ khẳng định đây chỉ là tin đồn, có “màu sắc” của sự cạnh tranh không lành mạnh. Đài Loan không hề điều tra hay phát ngôn về trà của Việt Nam nhiễm dioxin”.
Bình luận (0)