Tất cả đều không phải là nhỏ và khó phát hiện nhưng các cơ quan chức năng địa phương cố lờ đi như không thấy. Và, việc giải quyết “hậu quả” cũng diễn ra một cách chậm chạp, quá nhiều chống chế và vướng mắc.
Vướng mắc phổ biến nhất là chồng chéo trong quản lý, các cơ quan chức năng tha hồ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Vướng mắc còn nằm ở chỗ những người dân, chỉ bằng một chút nhạy cảm và hoài nghi, có thể đoán biết được: sự mờ ám, bao che trong truy cứu trách nhiệm khi những nhóm lợi ích liên kết, câu kết để tạo nên những quyền lực “đen” bảo lãnh cho các sai phạm, vì thế rất khó truy cho đến tận cùng.
Một thường dân, dù ở trong những khu phố hẻo lánh nhất, chỉ cần đổ một bao xi-măng trước nhà là có lực lượng quản lý đô thị tới hỏi thăm ngay thì không thể có chuyện tòa nhà cao 19 tầng nằm ngay ở thủ đô giữa thanh thiên bạch nhật được xây hàng tháng trời lại khuất mắt lực lượng chức năng. Một cái chòi cất giữa rừng canh rẫy ngay lập tức sẽ có lực lượng kiểm lâm đến làm việc thì làm gì có chuyện một resort cao cấp mọc lên mấy năm trời mà không gây một tiếng động nào cho giới quản lý rừng!
Cũng thế, chuyện ông Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận khuyết điểm trước dân hôm 7-3 đem lại sự hồ hởi cho những ngư dân suýt mất chỗ đậu thuyền, đi biển. Song, cũng phải hiểu rằng trước khi có sự trấn an đó, cũng đã xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp, thậm chí va chạm giữa một bên là chính quyền địa phương, nhà đầu tư và một bên là những ngư dân cô thế… Lúc đó, chính quyền địa phương ở đâu, làm gì?
Rõ ràng, sự thiếu công minh trong quản lý xã hội đã sinh ra những khối sai lù lù mà chỉ khi bị biến thành chuyện lớn, bị khui ra một cách trần trụi trước công luận, gây sự chú ý ở cấp trung ương hay được các lãnh đạo ghé mắt thì các “cơ quan chức năng tàng hình” này mới chịu xử lý. Cần thấy rằng việc xử lý lúc bấy giờ rất hao tổn của cải xã hội (điển hình là việc “cắt ngọn” và tháo dỡ tòa nhà 8B Lê Trực chật vật cỡ nào). Điều đáng nói hơn là sự hao tổn, mất mát niềm tin, tinh thần hợp tác dân chúng vào sự công minh của nhà nước.
Sự giám sát quản lý xã hội trong dân còn mạnh mẽ là điều tốt nhưng không thể trông chờ hoàn toàn vào cơ chế đó khi mà bộ máy quản lý xã hội và thừa hành pháp luật ở địa phương lại thiếu và yếu về cơ chế tự giám sát, thiếu kháng thể để lành mạnh, trong sạch hóa. Một lần nữa, yêu cầu về sự thượng tôn pháp luật được nêu ra đối với chính quyền cơ sở. Truy tới cùng nguồn gốc những vụ việc sai phạm trong quản lý dẫn đến nhiều hậu quả nhãn tiền từ các bê bối nêu trên là điều cần thiết nhằm chấn chỉnh kỷ cương vì một xã hội phát triển bình thường, văn minh.
Bình luận (0)