Theo ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, cửa khẩu phụ Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) - Pò Chài (Trung Quốc) là điểm giao thương hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam - Trung Quốc. Có ngày, trên 1.000 xe tập trung về đây trong khi bãi hàng chỉ có sức chứa 200-300 xe. Trung bình, mỗi ngày từ đầu tháng 4 đến nay, hải quan làm thủ tục xuất khẩu từ 300-350 xe, trong đó 100-150 xe chở dưa hấu, gần 100 xe chở thanh long, tồn lại cửa khẩu trung bình 300-400 xe.
Chỉ giải quyết phần ngọn
Theo ông Hội, nguyên nhân chính khiến ùn tắc là do doanh nghiệp (DN) và thương nhân Việt Nam xuất khẩu dưa hấu đều làm thủ tục hải quan theo loại hình xuất khẩu tiểu ngạch, không hợp đồng ngoại thương, không ràng buộc giá cả nên rủi ro đều thuộc về DN, thương nhân và đặc biệt là nông dân Việt Nam. Khi xuất khẩu, dưa hấu thường được bảo quản thô sơ theo cách lót đệm bằng rơm rạ, chưa đóng gói phân loại. Khi xuất qua cửa khẩu, thương lái Trung Quốc lựa chọn rồi đóng hộp, phân loại để vận chuyển tiếp nên mất nhiều thời gian.
Ông Hội khẳng định các giải pháp hiện nay của chính quyền tỉnh Lạng Sơn, của cơ quan hải quan và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.
Bà Đặng Thị Ngân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, khẳng định không thể đề nghị phía Trung Quốc mở rộng kho bãi được mà phải đàm phán để thay đổi phương thức giao nhận hàng nhằm tránh rủi ro.
Dày đặc rủi ro
Chiều 9-4, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết các bộ, ngành đã và đang làm việc với Trung Quốc để làm sao việc mua bán nông sản, đặc biệt là dưa hấu, được thực hiện theo kiểu chính ngạch hay cách nào đó cho suôn sẻ hơn. Giao dịch dưa hấu theo tiểu ngạch, không có hợp đồng trong xuất khẩu luôn ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Theo ông Hội, để giải quyết tận gốc việc ùn tắc thì phải từ công tác quản lý, dự báo và định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là 2 bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách quy hoạch vùng trồng trái cây, nông sản hợp lý nhằm hạn chế phát sinh thiệt hại cho nông dân.
Đối với các DN và thương nhân, cần phải chuyển từ kinh doanh tiểu ngạch sang kinh doanh chính ngạch, có hợp đồng ngoại thương. Chính phủ cần đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu như địa điểm kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng được yêu cầu.
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu
Sáng 9-4, Công đoàn cơ quan Bộ Công Thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu tổ chức chương trình thiện nguyện mua dưa hấu hỗ trợ nông dân miền Trung. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết cục đã liên hệ với một số tỉnh nhằm giải tỏa ùn tắc ở cửa khẩu thông qua việc tìm đầu mối tiêu thụ dưa ở thị trường Hà Nội.
Trước mắt, Bộ Công Thương tổ chức phát động khối cơ quan bộ mua 14 tấn dưa hấu, hỗ trợ đồng bào vùng trồng dưa miền Trung cũng như giúp DN vận tải, xuất khẩu đang gặp ách tắc tại cửa khẩu. Ph.Nhung
Bình luận (0)