Hơn 20 năm gắn bó với công việc của một điều dưỡng ở Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện (BV) Đa khoa Đống Đa (TP Hà Nội), chị Nguyễn Thu Hiền đã nối dài ước mơ làm cha, làm mẹ cho nhiều cặp vợ chồng nhiễm HIV. Họ đã sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Quyết định "liều lĩnh"
Chìa cho tôi xem đoạn tin nhắn với một nữ bệnh nhân tên N.M, chị Hiền cho biết: "M. có thai đã gần 3 tháng. Cứ mỗi lần thấy cơ thể khác lạ hay kết quả xét nghiệm, thăm khám thế nào, cô ấy đều nhắn tin với tôi. M. phải trải qua không ít lo âu, bởi phải đến lần xét nghiệm thứ 2 - khi đứa trẻ 18 tháng tuổi, cô mới biết chắc con mình có nhiễm HIV hay không".
Điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hiền tư vấn cho một bệnh nhân nhiễm HIV vốn mong muốn có được đứa con khỏe mạnh Ảnh: NGỌC DUNG
Chị Hiền kể cách đây 2 năm, một người đàn ông nhiễm HIV tên V., sinh năm 1977, ở Hà Nội đã lập gia đình và sinh được một cậu con trai khỏe mạnh. V. phát hiện nhiễm HIV từ năm 2004 và được lập hồ sơ quản lý điều trị ngoại trú tại BV Đống Đa. Những năm đầu "dính" H, anh chán nản, mặc cảm, thậm chí có lúc sống buông thả vì nghĩ mình sẽ chết nhanh chóng. Vài năm sau đó, V. cũng không dám nghĩ đến lập gia đình vì sợ sẽ lây mầm bệnh cho vợ con.
Cách đây 4 năm, V. có người yêu và chia sẻ về bệnh tình của mình với bạn gái. Cô gái rất sốc nhưng cảm phục tích cách, ý chí của người yêu nên chấp nhận tiến tới với anh. Trước khi cưới, V. đã thuyết phục và đưa bạn gái đến gặp chị Hiền. Gần 1 năm sau khi kết hôn, vợ chồng anh nghĩ đến chuyện có con và cả hai lại đến gặp chị.
"Khi đó, tôi đã giải thích nguy cơ nhiễm HIV cho người vợ và khả năng lây truyền cho con để cả hai cân nhắc. Với kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân HIV, tôi thấy những rủi ro này là rất thấp nếu như vợ chồng tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ (BS) chỉ định trước và trong khi mang thai" - chị Hiền nhớ lại.
Dù không nhiễm HIV nhưng vợ anh V. vẫn được chỉ định dùng thuốc kháng virus một thời gian trước khi mang thai. Thế rồi, "mầm sống" đã hiện diện. Năm 2014, vợ chồng anh đón một bé trai kháu khỉnh nặng hơn 3 kg. May mắn là kết quả xét nghiệm 2 lần sau đó đều cho kết quả đứa bé hoàn toàn bình thường, không nhiễm HIV.
"V. vẫn đang điều trị HIV ngoại trú tại BV Đa khoa Đống Đa. Mỗi lần đến BV xét nghiệm, lĩnh thuốc, anh ấy lại hồ hởi khoe về cuộc sống gia đình với cậu con trai kháu khỉnh. Theo V., nhờ các nhân viên y tế ở BV này "tiếp sức" mà anh ấy mới có thể vượt qua cú sốc và cùng vợ có quyết định liều lĩnh sinh con. Dường như tình yêu, hạnh phúc gia đình và đứa con đã tiếp thêm nghị lực để anh ấy chiến thắng số phận, bệnh tật, vững vàng đối mặt khó khăn của cuộc sống" - chị Hiền bày tỏ.
Nỗi lòng "có H"
Theo BSCK I Nguyễn Thị Ánh Vân - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, phụ trách chính Chương trình Dự phòng nhiễm HIV từ mẹ sang con của BV Hùng Vương (TP HCM) - cầm kết quả xét nghiệm máu dương tính với HIV trong tay, có lẽ không ai tránh khỏi cảm giác đau khổ, tuyệt vọng.
BS Vân nhìn nhận: "Nỗi đau ấy còn lớn hơn nếu người nhận là một phụ nữ đang mang trong mình mầm sống mới. Bởi lẽ, không chỉ họ phải đối diện căn bệnh mà đứa bé cũng có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ khá cao nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt ngay từ đầu. Họ khóc rất dữ dội do bị sốc".
BS Vân cho biết chị nhớ mãi trường hợp một nữ sinh viên một trường đại học danh tiếng tại TP HCM. Cô mang thai với người yêu - vốn là bạn học và đến khi đó, anh này mới bị phát hiện nhiễm HIV. Cô gái may mắn chưa nhiễm virus chết người này nhưng cha mẹ cô nhất quyết bắt con phải phá thai, chia tay người yêu. Cha mẹ chàng trai cũng ủng hộ bởi với họ, chỉ con trai mình nhiễm HIV đã là quá đủ.
"Thế nhưng, khi đến phòng tham vấn, cô gái thẳng thắn: "Nếu BS giúp được con biết cách phòng ngừa để em bé không bị lây bệnh thì con cảm ơn BS. Còn nếu BS muốn khuyên con bỏ thai thì đừng tư vấn nữa". Cô khẳng định cho dù cha mẹ hai bên không chấp nhận, cô và người yêu sẽ thuê nhà trọ sống với nhau, sẽ tự cưới nhau và sinh ra đứa con này" - BS Vân nhớ lại.
Nữ BSCK I đã quyết định tham vấn cho cô gái về những cách dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, như: phải ngưng tuyệt đối quan hệ vợ chồng trong thời gian mang thai, thuyết phục người yêu tuân thủ phác đồ điều trị, chấp nhận những can thiệp y tế cần có để tự bảo vệ mình nếu quyết định cưới nhau...
"Sự bình tĩnh và quả quyết của cô gái khiến tôi hiểu ra rằng nếu cứ cố ép buộc thuận ý cha mẹ, cô vẫn sẽ hành động vì tình yêu của mình. Và khi đó, chính cô và đứa bé sẽ khó tránh khỏi việc nhiễm HIV. Vậy thì chi bằng, chúng ta hãy giúp cô ấy" - BS Vân đúc kết.
Kỳ tới: Tình yêu diệu kỳ
Gánh nặng cuộc đời
BS Trương Hữu Khanh,Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho rằng nỗi đau lớn nhất thuộc về đứa trẻ không may ra đời và mang sẵn căn bệnh thế kỷ. Các phương pháp điều trị hiện nay có thể giúp cơ thể đứa bé chống chọi với căn bệnh trong một thời gian rất dài và lớn lên, trưởng thành. Thế nhưng, đó là một tuổi thơ, một tuổi trẻ đầy mặc cảm và có thể phải sống trong sự kỳ thị.
Theo BS Khanh, những trở ngại về mặt sức khỏe mà đứa bé ấy phải gánh chịu trong suốt cuộc đời là không nhỏ, chưa kể những rào cản đôi khi còn lớn hơn về mặt tâm lý. Sự mặc cảm, nỗi lo sợ bị kỳ thị luôn là gánh nặng lớn nhất đối với hầu hết người nhiễm HIV.
Bình luận (0)