Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho rằng ở phương diện nào đó, kịch bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) xây dựng có tác dụng như thông điệp cảnh báo trước về các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); tuy nhiên, chưa có gì để bảo đảm kịch bản này là đáng tin cậy.
Nước mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền qua cửa sông Hậu
Số liệu chưa rõ
Theo TS Tô Văn Trường, các bản đồ trong kịch bản được xây dựng không rõ dựa trên nguồn số liệu nào. Nếu số liệu tính toán từ mạng lưới trạm quan trắc chắc chắn những vùng có mật độ trạm thưa thớt (các vùng núi cao, hẻo lánh) sẽ chứa đựng sai số lớn, nếu sử dụng trực tiếp kết quả tính từ các mô hình số thì chưa đủ.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn phương pháp xây dựng kịch bản còn mập mờ khi chỉ nói "chi tiết hóa thống kê" mà không nói rõ phương pháp nào. Do đó, kịch bản vẫn chưa thể sử dụng làm cơ sở khoa học để đánh giá tác động của BĐKH, đồng thời việc sử dụng kịch bản 2011 vào chương trình ứng phó BĐKH không lường hết được hậu quả bởi độ tin cậy còn thấp.
Theo TS Trường, cần phải làm lại kịch bản mới, dựa trên tổ hợp nhiều sản phẩm dự tính khí hậu tương lai để xác định độ tin cậy và nên có nhiều cơ sở, cá nhân cùng thực hiện và thực hiện độc lập với nhau để nhận được nhiều bộ kết quả dự tính BĐKH khác nhau. Mỗi một bộ kết quả đó được xem là một mẫu thống kê, khi có số lượng mẫu đủ lớn sẽ tổ hợp lại để được kịch bản "tốt nhất có thể".
Siêu dự án ăn theo
Không phủ nhận BĐKH là hiện tượng có thực và đang diễn ra, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu BĐKH Đại học Cần Thơ, cho biết số liệu khí tượng thủy văn do viện này nghiên cứu đã ghi nhận có những thời kỳ nóng gắt và khô hạn kéo dài như năm 2010, xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu hơn vào nội địa vùng ĐBSCL, có nhiều cơn mưa bất thường rất lớn và đột ngột xảy ra, tình hình thủy văn dòng chảy phức tạp hơn…
Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, kịch bản của Bộ TN-MT đều dựa vào các kịch bản phát thải khí nhà kính do Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) đưa ra nhưng do nhiều yếu tố không chắc chắn nên kết quả tính toán các kịch bản này cần phải điều chỉnh liên tục. Mức độ tác động không quá trầm trọng như thế nhưng việc sử dụng kịch bản tiêu cực nhất có thể gây ra tâm lý hoang mang cho dư luận.
Thời gian qua có những đề xuất các giải pháp công trình gọi là để ứng phó BĐKH và nước biển dâng. Những giải pháp này dựa vào các giả thiết cực đoan nhất để hình thành các dự án quá lớn, khó khả thi hoặc không hiệu quả kinh tế - xã hội và gây những nguy cơ mới về sinh thái - môi trường, ví dụ các dự án đê biển khổng lồ dài hàng ngàn cây số của một số cá nhân từ Bộ NN-PTNT... Nếu các dự án này vay tiền nước ngoài để thực hiện thì sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng lún sâu vào nợ nần và khủng hoảng.
Một thực tế khác cũng cần nhìn nhận là nhiều dự án đã và đang triển khai sẽ làm trầm trọng thêm các tác động của BĐKH và nước biển dâng vì làm tài nguyên của đất nước ngày càng kiệt quệ, sự phát thải khí nhà kính gia tăng.
"Chúng ta có thể dễ dàng chỉ ra các dự án như vậy: các dự án phá rừng làm thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ; dự án khai thác bauxite cũng làm gia tăng khô hạn, ô nhiễm và gia tăng phát thải khí nhà kính cho Tây Nguyên; các dự án làm sân golf ồ ạt cũng làm ô nhiễm nguồn nước và mất đi nghiêm trọng sự đa dạng sinh học... Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì bức tranh bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH thêm phức tạp hơn" - PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn: "BĐKH là vấn đề rất phức tạp, là hệ quả tổng hợp của một chuỗi tương quan đa tác nhân, cả về lý do tự nhiên và lý do nhân tạo. Do đó, việc đánh giá các tác động cần phải dựa vào các phân tích một cách khoa học". |
Bình luận (0)