xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trần ai truy quét “vàng tặc”

THÚY PHƯƠNG - HẢI VŨ

Những năm gần đây, nhiều vụ sập hầm khai thác vàng liên tục xảy ra tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam và Nghệ An khiến hàng loạt người thiệt mạng nhưng vẫn không ngăn được làn sóng “vàng tặc” đổ xô phá núi, móc ruột sông tìm vận may

Đến nay, nhiều người vẫn chưa quên cái chết thương tâm của 2 anh em phu vàng Huỳnh Văn Xin (SN 1982), Huỳnh Văn Linh (SN 1991), cùng ở thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh - Quảng Nam. Vào một đêm mưa năm 2008, trong lúc đang đào vàng dưới hầm sâu, đất bỗng dưng đổ sập, chôn vùi 2 anh em có hoàn cảnh sống hết sức khó khăn này.

img
Một phu vàng ở Quảng Nam vận chuyển quặng từ trong hầm ra ngoài. Ảnh: THÚY PHƯƠNG

Nhiều cái chết thương tâm

Cũng trong năm 2008, anh Nguyễn Thanh Dũng và vợ là chị Huỳnh Thị Tình cùng con trai lớn là Nguyễn Thành Trung (15 tuổi) đã bị chôn vùi dưới hầm sâu tại bãi vàng Sũng Mù (huyện Phú Ninh), để lại 3 đứa trẻ mồ côi. Tang thương nhất có lẽ là vụ tai nạn tại bãi vàng Nước Vin, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My - Quảng Nam vào ngày 5-11-2009. Lúc đó, mưa lớn kéo dài làm nửa quả đồi  tại đây đổ ập xuống, chôn vùi 2 lán trại, cướp đi 13 sinh mạng và làm 7 người trọng thương.

Mới đây, sáng 4-4, trong lúc đào vàng tại bãi Suối Tre, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, phu vàng Ninh Văn Nhị (49 tuổi, trú thôn Khánh Phước, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) cũng bị chôn vùi chết tại chỗ do hầm vàng sập.

Sau đó chỉ 4 ngày, lực lượng chức năng huyện Phước Sơn - Quảng Nam tổ chức truy quét những người đào vàng trái phép ở bãi 39 xã Phước Hòa. Khi lực lượng truy quét đến, các phu vàng chạy vào rừng sâu trốn. Đến khi lực lượng chức năng rút lui, họ lại chui xuống hầm đào vàng tiếp. Trong lúc đào bới dưới độ sâu hơn 100 m, bất ngờ hệ thống truyền dẫn khí xuống hầm bị sự cố làm 3 phu vàng thiệt mạng tại chỗ.

Tai nạn liên liếp xảy ra thế nhưng hằng ngày, tại các huyện miền núi Tương Dương, Quế Phong - Nghệ An vẫn có hàng ngàn người bất chấp nguy hiểm, hy vọng đổi đời từ việc khai thác vàng. Dọc theo các nhánh sông, suối ở các xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa, Yên Thắng, Tam Đình…, huyện Tương Dương, đi tới đâu cũng bắt gặp người dân đổ xô đào xới đất đá tìm vàng.

img
Phu vàng đưa một đồng nghiệp tử nạn ra khỏi vùng núi Quảng Nam Ảnh: THÚY PHƯƠNG

“Bắt cóc bỏ đĩa”

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Tiên Phước - Quảng Nam, cho biết: “Chúng tôi liên tục truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc” nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép ở đây vẫn ở mức báo động. Nhất là từ khi giá vàng tăng cao, số người tham gia khai thác vàng lại tăng lên đáng kể”.

Trước tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra tại các xã miền núi ở huyện Tương Dương, Quế Phong từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc đẩy đuổi, thu giữ nhiều phương tiện nhưng tất cả đều như “bắt cóc bỏ đĩa”. Ông Lô Hoài Thơm, Chủ tịch UBND xã Yên Na, huyện Tương Dương, thừa nhận: “Tình trạng khai vàng trái phép trên địa bàn xã có từ lâu do người dân không có việc làm nên đi đào đãi vàng. Hằng tuần, lực lượng công an đều kiểm tra, xử phạt, đẩy đuổi “vàng tặc” nhưng vẫn không ăn thua”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lữ Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: “Tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đẩy đuổi người dân khai thác vàng trái phép ở địa phương. Khi lực lượng chức năng vào, họ ngừng khai thác. Khi lực lượng chức năng rút đi, họ lại kéo nhau xuống hầm khai thác tiếp”.

Về nghi vấn có sự tiếp tay của cán bộ địa phương để “vàng tặc” lộng hành, ông Thi khẳng định: “Việc bảo kê cho các đầu nậu khai thác vàng trái phép thì chưa có chứng cứ nhưng việc để lọt thông tin các đợt truy quét là có. Huyện đang chỉ đạo lực lượng công an làm rõ việc này để xử lý”.

Theo ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Nam, dù lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo tăng cường nguồn lực để giữ tài nguyên, khoáng sản nhưng không hiểu vì lý do gì, “vàng tặc” vẫn cứ tồn tại.

Sống - chết trong gang tấc

Khu vực núi Huôi Hạng, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong - Nghệ An, từ đầu năm 2013 đến nay, mỗi ngày bình quân có khoảng 800 - 1.000 người đào khoét núi tìm vàng. Để tìm vàng từ núi Huôi Hạng, các phu vàng đào hàng trăm hố rộng hơn 1 m và sâu 10 - 30 m. Từ những đáy hầm, các phu vàng đào khoét nhiều đường ngang dài hàng trăm mét. Do bị đục khoét rộng bên trong, lại không được chống đỡ kiên cố nên nguy cơ sập hầm rất dễ xảy ra. Lúc đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết của các phu vàng chỉ trong gang tấc.

“Chui dưới hầm sâu sợ lắm, không biết sập lúc nào. Không có việc làm, chủ hầm vàng thuê thì mình làm thôi. Làm việc cả ngày, họ trả chỉ khoảng 150.000 đồng” - phu vàng Lô Văn May, bản Cắm Pỏm, xã Cắm Muộn, cho biết. “Biết đào vàng là nghề nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn phải lao vào cũng chỉ vì miếng cơm manh áo” - một phu vàng nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo