Cắt giảm đầu tư, nợ công và an toàn giao thông trở thành vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội (QH) trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 28-10 về kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách.
Nghiêm túc cắt giảm đầu tư
Theo đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM), việc cắt giảm đầu tư chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao nên Chính phủ cần “điểm mặt, chỉ tên” các địa phương đầu tư sai. Một số ĐB đề nghị cắt giảm đầu tư từ y tế, giáo dục để tăng đầu tư cho các công trình giao thông.
Trước ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh (ĐB Lai Châu) khẳng định việc cắt giảm đầu tư công được thực hiện nghiêm túc, hiện tượng vi phạm chỉ xảy ra không đáng kể và chủ yếu ở công trình nhỏ. Theo ĐB Vinh, có thể nhiều vị ĐB chưa xem xét kỹ nên mới bức xúc. “Nghị quyết 11 không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí của năm 2011 về Trung ương mà thực chất là sắp xếp lại, không kéo dài sử dụng vốn, không ứng vốn trước, không khởi công dự án mới chưa cấp thiết” – ông Vinh nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời báo chí bên lề Quốc hội. Ảnh: THẾ DŨNG
Ông Vinh cho biết trong tổng số hơn 81.500 tỉ đồng cắt giảm đầu tư (tính đến hết tháng 9), Nhà nước không thu về đồng nào và không có công trình nào ách tắc do thực hiện Nghị quyết 11. “Dự báo năm nay, tổng đầu tư toàn xã hội chỉ đạt khoảng 34% GDP, giảm rất nhiều so với mức 42% của năm 2009” - ông Vinh đánh giá.
Nợ công ở mức an toàn
Nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại khi chưa có cơ sở để kết luận nợ công Việt Nam hiện nay ở mức an toàn hay báo động. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, nợ công của Việt Nam ở mức 54,6% là rất cao. “Việt Nam cần có cảnh báo về nợ công” - ĐB Ngân đề nghị.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (ĐB tỉnh Bình Định) vẫn tự tin rằng nợ công của Việt Nam ở mức an toàn, thể hiện ở cơ cấu nợ có đến 70% là vốn ODA với thời hạn 40 năm, lãi suất thấp và khả năng trả nợ không có gì bất ổn.
Theo ông Huệ, mức trả nợ của Việt Nam chỉ chiếm 14% - 16% ngân sách, thấp hơn một nửa so với thông lệ quốc tế. “Thời gian tới, quản lý nợ công sẽ tốt hơn. Chúng ta không lạc quan nhưng cũng không quá lo lắng về vấn đề này” – ông Huệ trấn an.
Đồng thuận chống ùn tắc giao thông
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ĐB Thanh Hóa) đã kêu gọi sự đồng thuận của QH, nhân dân và các địa phương đối với hàng loạt biện pháp đang triển khai, đặc biệt là việc điều chỉnh giờ học, giờ làm việc. “Bộ GTVT mong người dân chia sẻ, hy sinh lợi ích cá nhân để đạt được mục đích của cả cộng đồng” – ông Thăng nói.
Theo ông Thăng, QH cần có nghị quyết chuyên đề và giám sát tối cao về lĩnh vực giao thông, từ hoạt động đầu tư đến ùn tắc, tai nạn. Cho rằng GTVT là ngành bị ảnh hưởng lớn nhất từ cắt giảm đầu tư công, ĐB Đinh La Thăng đề nghị bố trí phần vượt thu ngân sách do tính toán lại giá dầu thô 2 năm 2011 – 2012 (gần 40.000 tỉ đồng) đầu tư vào các dự án giao thông trọng yếu. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) ủng hộ đề xuất này nhưng kèm theo 3 điều kiện: Bộ GTVT phải chống cho được tiêu cực trong xây dựng cơ bản; nâng cao năng lực vận hành dự án, sẵn sàng “trảm tướng” nếu có vấn đề; đặt mục tiêu tiến độ lên hàng đầu.
Cần nâng trần nợ công Trao đổi với các phóng viên bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng giảm đầu tư công là đúng nhưng quá đà thì rất nguy nan vì Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên việc đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội mới bắt đầu thực hiện. Thực tế, tổng mức đầu tư của Việt Nam hiện quá thấp. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH cho biết năm nay, giải ngân đầu tư công là 123.000 tỉ đồng, chỉ chiếm 19,9% thu ngân sách.
Bình luận (0)