Quảng Ngãi có 4 bến xe được quy hoạch. Thế nhưng hiện nay, xe trong bến rất ít, trong khi xe dù lại hoạt động lộng hành, công khai bên ngoài. Điển hình là điểm xe dù, bến cóc tại chợ Tre (xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa). Mỗi ngày ở đây có hàng chục chuyến xe đón, trả khách công khai.
Chèo kéo, “chặt chém”
Sáng 10-1, theo quan sát của phóng viên Báo Người Lao Động, chỉ trong khoảng 1 giờ, đã có hơn 10 chuyến xe dừng đón, trả khách ở khu vực chợ Tre. Thấy chúng tôi mang ba lô, nhiều tài xế liền cho xe tấp vào, quát hỏi: “Đi đâu?”. Khi chúng tôi lắc đầu, họ vẫn cho xe loanh quanh tìm kiếm khách một hồi rồi mới nhấn ga lao vút đi.
Tại bến cóc ở đầu cầu Trà Khúc 2 (TP Quảng Ngãi), mỗi ngày có hàng chục chuyến xe khách chạy các tuyến đường dài Quảng Ngãi - TP HCM, TP HCM - Đà Nẵng… dừng lại đón, trả khách. Nhiều xe còn đậu hẳn trên lề đường đợi khách.
Chúng tôi cũng thường xuyên chứng kiến cảnh nhiều nhà xe chèo kéo, bắt khách dọc đường, gây nên tình trạng cãi vã, hỗn loạn. Nhiều xe chạy tuyến Quy Nhơn - Đà Nẵng nhưng khi nghe hành khách nói đi Huế, tài xế cũng “bắt” luôn.
“Mỗi ngày ở khu vực này có hàng trăm xe dừng đỗ, tranh giành khách. Chuyện giành khách dẫn đến đánh nhau xảy ra thường xuyên ở đây” - ông Nguyễn Bảy, một người dân sống bên cầu Trà Khúc 2, ngao ngán.
Theo ông Bảy, việc xe dù đón khách dọc đường không những ảnh hưởng đến nhà dân dọc Quốc lộ 1 mà còn tiềm ẩn gây tai nạn giao thông. “Phần lớn xe khách chạy các tuyến này là xe dù, không vào bến bãi cố định mà chỉ đón khách dọc đường nên luôn cảnh giác với CSGT. Bởi vậy, khi tài xế thấy khách dọc đường là vội vã tấp xe vào để đón, rồi tranh thủ chạy đi nên rất dễ gây ra tai nạn… Khu vực này đã có hơn 10 vụ tai nạn do xe dù đón khách gây ra trong năm nay” - ông Bảy cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều xe dù sau khi tìm mọi cách “bắt” được khách lên xe, không những nhồi nhét mà còn tha hồ “chặt chém”. Anh Nguyễn Văn Hùng, một hành khách vừa đi xe dù tuyến Quảng Ngãi - Đà Nẵng, bức xúc: “Vì vào bến xa nên tôi ra Quốc lộ 1 đón xe đi Đà Nẵng cho gần. Tôi đã cẩn thận hỏi giá trước khi lên xe, tài xế bảo “như ngày thường”. Vậy mà khi chạy đến khu vực vắng người, nhà xe bắt tôi trả 200.000 đồng, trong khi bình thường chỉ 100.000 đồng. Bức xúc, tôi đòi xuống xe nhưng họ đóng chặt cửa không cho. Tôi đành phải trả đủ 200.000 đồng mới yên thân”.
Đại diện Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Quảng Ngãi cho biết tình trạng xe dù, bến cóc ở địa phương này tồn tại đã lâu. “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương ra quân kiểm tra xử phạt nhưng cũng chỉ được một thời gian, xe dù, bến cóc vẫn hoạt động trở lại, tinh vi, lén lút hơn. Từ nay đến Tết, chúng tôi sẽ thường xuyên triển khai ngăn chặn tình trạng này” - ông khẳng định.
Lại “lực lượng mỏng”!
Tại một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, xe dù, bến cóc cũng hoạt động ì xèo. Điểm nóng nhất có lẽ là khu vực trên đường Nguyễn Hoàng, TP Tam Kỳ. Nhiều xe khách chạy tuyến ngắn như Tam Kỳ - Quảng Ngãi, Quy Nhơn - Đà Nẵng thường xuyên dừng đón, trả khách dọc đường, gây cản trở các phương tiện lưu thông, đồng thời tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường.
Sáng 10-1, dù tại đoạn đường này có một tổ CSGT chốt chặn nhưng các xe khách vẫn thản nhiên dừng đón, trả khách. Tại đoạn gần giao lộ Nguyễn Hoàng - Trần Cao Vân, trong khi lực lượng CSGT dừng một xe dù chạy hướng Nam - Bắc để kiểm tra thì xe khách của một hãng chạy tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn vẫn vô tư đón khách ở chiều ngược lại.
Một điểm nóng khác là đoạn ngã ba Kỳ Lý (nơi giao nhau giữa TP Tam Kỳ và huyện Phú Ninh), Quốc lộ 1 đi qua đoạn này rất hẹp nhưng mật độ xe lưu thông rất đông. Lâu nay, người dân ở đây vẫn có thói quen đón xe dọc đường nên đã tạo nên bến cóc lớn. Xe khách ngang nhiên đậu đỗ không đúng quy định nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào có mặt để xử lý. Có mặt tại đây chưa đầy 20 phút, chúng tôi ghi nhận rất nhiều trường hợp xe dù dừng rước khách.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Chỉ, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết CSGT đang triển khai quyết liệt các biện pháp để xử lý nạn xe dù, bến cóc, cơm “tù”. “Thời gian qua, chúng tôi đã xử lý rất nhiều trường hợp nhưng do lực lượng mỏng, trong khi Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh tương đối dài nên việc giải quyết xe dù, bến cóc vẫn còn gặp nhiều khó khăn” - ông Chỉ nói.
TP HCM: Kiểm tra, xử lý nghiêm
Liên quan đến bài viết Chưa Tết, xe dù đã loạn trên Báo Người Lao Động số ra ngày 27-12-2013, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín vừa yêu cầu giám đốc Sở GTVT, Công an TP phối hợp chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết và có giải pháp hiệu quả để không tiếp tục xảy ra tình trạng như báo nêu.
Vướng mắc hiện nay trong việc xử lý xe dù núp bóng xe hợp đồng du lịch là sự chênh nhau giữa các quy định về kinh doanh vận tải tuyến cố định và kinh doanh vận tải khách du lịch. Dù Sở GTVT TP HCM đã kiến nghị nhiều lần nhưng hiện vẫn chưa có cách giải quyết. Kiến nghị gần nhất được Sở GTVT đề xuất là TP HCM cần có một quy chế đặc thù để chế tài các hành vi đón, trả khách trái phép; quy định cụ thể, không cho các loại hình xe du lịch được đón, trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. T.Hồng
Bình luận (0)