xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trầy trật vay vốn đóng tàu

Trần Thường - Đức Anh

Ngư dân muốn vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 đối mặt hàng loạt khó khăn. Để có tiền đối ứng, nhiều người phải bán tàu cũ nhưng việc vay vốn trầy trật, họ đành chịu cảnh thất nghiệp

Lão ngư Đ.X - ngụ xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định - cho biết mới đây, ông Tr.V.H, chủ một cơ sở đóng tàu ở huyện Phù Mỹ, gọi điện thông báo hồ sơ xin vay vốn đóng tàu vỏ gỗ trị giá 5 tỉ đồng của gia đình ông đã được phê duyệt. “H. cho rằng đây chỉ là bước đầu, muốn phía ngân hàng (NH) giải ngân khoản cho vay theo Nghị định (NĐ) 67 thì phải làm rất nhiều thủ tục nữa mà chủ tàu rất khó đáp ứng” - ông X. kể.

Hoa hồng “theo giá thị trường”

“H. đề nghị tôi để công ty của ông ta ký hợp đồng đóng tàu. Chỉ có vậy, ông ta mới lo hồ sơ vay NH, mức hoa hồng là 15% - tức khoảng 750 triệu đồng. Tưởng mức phí H. đưa ra cao, tôi thăm dò một số “cò 67” khác thì thấy giá cũng tương tự nên bỏ ý định vay tiền đóng tàu luôn. Giờ nếu NH giải ngân trực tiếp thì tôi vay chứ chuyển tiền thông qua doanh nghiệp đóng tàu để mất chừng ấy tiền hoa hồng thì tôi bỏ” - ông X. quả quyết.

Trong vai một người cần vay vốn đóng tàu vỏ gỗ, chúng tôi liên hệ với ông Tr.V.H. Thoạt đầu, H. có vẻ dò xét nhưng khi tin rằng chúng tôi có ý định đóng con tàu trị giá 5 tỉ đồng, ông ta gợi ý: “Muốn đóng tàu chừng ấy tiền, ngoài các thủ tục rắc rối, rườm rà, anh phải có vốn đối ứng khoảng 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, tôi có thể giúp anh làm toàn bộ hồ sơ vay NH và chuẩn bị số tiền đối ứng với mức phí theo thị trường”. Khi tôi hỏi “mức phí theo thị trường” là bao nhiêu, H. ỡm ờ bảo rằng khi nào có hồ sơ sẽ cho biết cụ thể.

 

Ngư dân Phan Thu bên mớ hồ sơ vay vốn ngân hàng để đóng tàu Ảnh: Trần Thường
Ngư dân Phan Thu bên mớ hồ sơ vay vốn ngân hàng để đóng tàu Ảnh: Trần Thường

 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Quang Viễn, Phó Giám đốc NH BIDV Chi nhánh Bình Định, xác nhận đã nghe thông tin về tình trạng “cò 67”. “Thông tin về giới cò mồi này tôi nghe nhiều lắm nhưng cụ thể thế nào thì chưa nắm rõ. Chúng tôi đã chỉ đạo anh em tín dụng thẩm định, kiểm soát thật chặt các hồ sơ vay vốn đóng tàu” - ông Viễn cho biết.

Tính đến nay, Bình Định có 76 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu được phê duyệt, gồm 48 tàu vỏ thép, 3 tàu composite, 24 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ gỗ bọc composite. Trong đó, chỉ 4 trường hợp được 2 chi nhánh BIDV ở Bình Định ký hợp đồng cho vay vốn đóng tàu.

Đụng đâu cũng vướng

Tại Quảng Nam, 2 ngư dân đầu tiên được BIDV ký hợp đồng tín dụng hỗ trợ vay vốn đóng tàu theo NĐ 67 là ông Phan Thu và ông Trần Công Chi - đều ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình. Dù đã được vay vốn nhưng hiện cả 2 ngư dân này đang rất lo vì không biết lấy đâu ra số tiền gần 1 tỉ đồng/người để đóng cho NH.

Ông Thu cho biết sau khi hoàn tất các thủ tục, ngày 31-3, ông ký hợp đồng với một công ty đóng tàu tại TP Đà Nẵng. Theo hợp đồng, con tàu sẽ hoàn thành sau khi NH giải ngân 135 ngày. Thế nhưng, cho rằng NĐ 67 quy định người vay vốn được giảm thuế GTGT 10% nên NH chỉ giải ngân hơn 8,2 tỉ đồng, trong khi chi phí đóng phần thân tàu lên đến 9 tỉ đồng. “Hiện tại, gia đình tôi không biết kiếm đâu ra số tiền hơn 820 triệu đồng để bù vào 10% này” - ông lo lắng.

Cả ông Thu và ông Chi đều đã bán tàu cũ của gia đình để làm vốn đối ứng 5% khi vay NH. Nhiều tháng nay, 2 chủ tàu này và các bạn thuyền rơi vào cảnh thất nghiệp mà không biết bao giờ “con tàu 67” mới đến tay. “Lo được thủ tục để NH cho vay đã mất bao nhiêu công sức, giờ lại gặp khó. Tàu cũ thì bán rồi, ngư dân chúng tôi lấy đâu ra cả tỉ đồng để đóng đây?” - ông Thu băn khoăn.

Trong khi đó, sau khi được phê duyệt đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67, ông Phạm Văn Tư - ngư dân ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình - bán chiếc tàu cũ để lấy tiền bù vào mức 5% vốn đối ứng. Tuy nhiên, do phải “tự bơi” nên đến nay, ông vẫn chưa tìm được NH cho vay vốn. Cách đây 2 tháng, ông Tư đến làm thủ tục vay vốn đóng tàu tại Vietcombank Chi nhánh Quảng Nam. Sau một thời gian, đại diện NH này nói không tiếp nhận nên ông ôm hồ sơ đến Agribank Chi nhánh Thăng Bình. Theo đại diện NH này, muốn vay tiền, ông phải có tài sản thế chấp bằng với giá trị con tàu.

Quá mệt mỏi nhưng ông Tư vẫn gắng gượng làm tiếp 2 bộ hồ sơ gửi 2 NH BIDV và VietinBank. “Nếu gia đình tôi có tài sản thế chấp bằng chiếc tàu thì cần gì phải vay tiền theo NĐ 67? Nếu các NH cứ làm khó dễ thế này, không biết bao giờ ngư dân mới vay được tiền” - ông ngao ngán.

Ngoài vướng mắc vì các thủ tục vay vốn, việc triển khai đóng tàu theo NĐ 67 trầy trật còn do đa số ngư dân phải dành thời gian để thiết kế lại tàu. Theo nhiều ngư dân, tất cả 21 mẫu thiết kế mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra đều không phù hợp với điều kiện đánh bắt thực tế trên biển. Do vậy, nhiều người phải thuê đơn vị chức năng thiết kế lại máy tàu, khoang đựng cá, bộ phận hạ thủy...

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ đạo NĐ 67 tỉnh Quảng Nam - cho biết 21 mẫu tàu này là đại diện cho các vùng biển trên cả nước. Do các chủ tàu với kinh nghiệm, ngư trường… khác nhau, muốn đóng tàu cho phù hợp để đánh bắt nên kéo dài thời gian thực hiện và phát sinh phí điều chỉnh thiết kế.

 

Được duyệt vẫn khó đóng

Theo ông Đinh Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, hiện tỉnh đã phê duyệt đóng 27 tàu theo NĐ 67, trong đó đóng mới 17 chiếc. Tuy nhiên, hiện chưa có dự án nào được giải ngân, có hợp đồng.

Trong khi đó, theo kế hoạch, đến tháng 6-2015, tỉnh Phú Yên sẽ có 30 chiếc tàu được đóng mới. “Như thế là quá chậm. Nguyên nhân chính là do ngư dân không có vốn đối ứng. Nhiều tàu cá đã được phê duyệt đóng mới nhưng có khả năng không thực hiện được” - ông Nhạn nhìn nhận.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo